"Dấu ấn" của Hong Kong sau 25 năm được quản lý theo mô hình “Một nước, hai chế độ” là việc đặc khu này tiếp tục duy trì vị thế một trung tâm tài chính, vận tải biển và thương mại quốc tế, đồng thời là một trong những nền kinh tế năng động và cạnh tranh nhất thế giới. Sau 25 năm, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và GDP danh nghĩa bình quân đầu người của Hong Kong đều tăng gấp đôi. Kim ngạch thương mại giữa đại lục và Hong Kong đã tăng 7,1 lần, với tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm là 8,5%.
Môi trường kinh doanh tự do và cởi mở, thuế suất thấp và hệ thống thuế đơn giản đã làm tăng thêm niềm tin kinh doanh cho giới đầu tư quốc tế. Hong Kong liên tiếp nhiều năm được đánh giá là nền kinh tế tự do nhất thế giới theo đánh giá của Viện Frazer Canada. Trong “Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu” năm 2022 mới được Viện Phát triển quản lý quốc tế (IMD) ở Lausanne, Thụy Sĩ công bố, Hong Kong đã tăng 2 bậc từ thứ bảy lên thứ năm sau Đan Mạch, Thụy Sĩ, Singapore và Thụy Điển.
Các tổ chức tài chính nổi tiếng thế giới đều có mặt ở Hong Kong. 70 trong số 100 ngân hàng lớn hàng đầu thế giới đã mở chi nhánh tại đây, tăng gần 4 lần so với trước năm 1997.
Ngoài ra, Hong Kong đã trở thành trung tâm tài trợ công nghệ sinh học lớn nhất ở châu Á và lớn thứ hai thế giới. Năm 2021, tổng cộng 34 công ty công nghệ sinh học và y tế được niêm yết tại Hong Kong, đứng đầu thế giới về số lượng niêm yết và thứ hai trên thế giới về tổng tài chính. Hong Kong còn là trung tâm quản lý tài sản quốc tế, trung tâm quản lý rủi ro và thị trường nhân dân tệ ngoài Trung Quốc đại lục lớn nhất thế giới.
Tổng giá trị thị trường của các công ty niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hong Kong là khoảng 38.000 tỷ HKD, gấp 7 lần so với năm 1997. Dự trữ ngoại hối của Hong Kong đã tăng 4,7 lần lên 460 tỷ HKD.
Nhờ mức chi thường xuyên cho giáo dục tăng 173%, trong bảng xếp hạng đại học tốt nhất châu Á năm 2022 của Times Higher Education (THE), Đại học Hong Kong năm thứ tư liên tiếp giữ vị trí thứ tư , Đại học Trung văn xếp ở vị trí thứ bảy, Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong tiếp tục thứ chín. Ba trường đại học này cũng nằm trong top 100 của thế giới.
Đời sống của người dân Hong Kong cũng không ngừng được cải thiện. Theo thống kê, chi thường xuyên của chính quyền cho phúc lợi xã hội đã tăng mạnh từ 65,3 tỷ HKD trong năm 2017-2018 lên 105,7 tỷ HKD trong năm 2021-2022.
Tuy nhiên, những thách thức đối với Hong Kong cũng không nhỏ, đặc biệt sau hơn 2 năm đối phó với 5 làn sóng dịch COVID-19. Tại lễ kỷ niệm 25 năm thành phố này được trao trả cho Trung Quốc, cũng là lễ nhậm chức của chính quyền Hong Kong nhiệm kỳ thứ sáu, tân Trưởng đặc khu Lý Gia Siêu cho biết chính quyền mới sẽ tập trung vào những vấn đề còn tồn tại.
Trước hết là nhà ở, một trong những vấn đề đau đầu nhất của xã hội Hong Kong, nơi nhiều người dân phải sống chen chúc trong những căn hộ chật hẹp hay những khu ổ chuột tồi tàn. Theo kết quả khảo sát mới nhất của HSBC FinFit, những người được phỏng vấn dự kiến trung bình cần tiết kiệm 17 năm mới đủ tiền để thanh toán cho việc mua nhà trong giai đoạn đầu, 52% cho biết cần đến sự hỗ trợ tài chính của gia đình mới có thể thực hiện mục tiêu.
Tiếp theo là củng cố vị thế quốc tế của Hong Kong. Do chính sách phòng chống dịch nghiêm ngặt, Hong Kong đã bị “chảy máu” nhân tài, nhiều quỹ cũng đã rời khỏi Hong Kong chuyển sang Singapore. Nhiệm vụ thứ ba là cải thiện hệ thống y tế. Trong quá trình đối phó với dịch bệnh vừa qua, hệ thống y tế đã bị quá tải và phải cần đến sự trợ giúp từ Trung Quốc đại lục.
Chính quyền mới dự kiến sẽ đơn giản hóa các thủ tục và phương pháp tiếp cận đa hướng để cung cấp nhiều nhà ở hơn, mở rộng không gian sống, cải thiện bố cục đô thị thông qua quy hoạch phát triển khu đô thị phía Bắc giáp với Trung Quốc đại lục. Chính quyền cũng sẽ thông qua khu đô thị phía Bắc để kết nối với Khu Vịnh lớn Quảng Đông-Hong Kong-Macau, từ đó duy trì khả năng cạnh tranh và lợi thế của Hong Kong trong Khu Vịnh lớn.
Ngoài ra, ông Lý Gia Siêu nhấn mạnh cần củng cố vị thế của Hong Kong với tư cách là một thành phố quốc tế, phát huy lợi thế từ sự cởi mở của Hong Kong, kết nối thế giới với đại lục, đồng thời tích cực hội nhập vào sự phát triển chung của đất nước, tranh thủ tối đa lợi ích của sự phát triển.
Từ một làng chài nhỏ ít người biết đến, sau 25 năm, Hong Kong đã trở thành một trong những thị trường năng động nhất châu Á, một trong những trung tâm tài chính quốc tế hàng đầu thế giới. Việc tiếp tục duy trì vị thế này không chỉ đòi hỏi sự nỗ lực của chính quyền mà còn cần sự ủng hộ của người dân xứ Cảng Thơm. Như khẳng định của ông Lý Gia Siêu tại lễ kỷ niệm ngày 1/7, việc thực hiện đầy đủ và chính xác phương châm “một nước, hai chế độ” là nền tảng quan trọng cho sự thịnh vượng và ổn định của Hong Kong, đồng thời cũng sẽ tạo cơ hội phát triển mới để xây dựng một Hong Kong quan tâm, hài hòa và sôi động.