Cơ hội hạ nhiệt căng thẳng Mỹ-Nga

Sau cuộc gặp Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton ở Moskva, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhất trí tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại một nước thứ ba, làm dấy lên hy vọng về khả năng hạ nhiệt căng thẳng giữa hai quốc gia vốn đối đầu từ thời Chiến tranh Lạnh.

Chú thích ảnh
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Nếu diễn ra, cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới sẽ là lần đầu tiên hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ có một cuộc gặp "trực diện" chính thức theo đúng nghĩa kể từ khi quan hệ giữa hai nước rơi xuống mức thấp nhất trong lịch sử liên quan tới cuộc xung đột ở Ukraine.


Theo thông báo từ Nhà Trắng, cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và người đồng cấp Nga có thể diễn ra tại Helsinki (Phần Lan) hoặc Vienna (Áo) sau hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 11-12/7 ở Brussels (Bỉ). Chương trình nghị sự dự kiến bao trùm "hàng loạt vấn đề", trong đó có cuộc chiến ở Syria và tình hình tại Ukraine. Lần cuối cùng hai nhà lãnh đạo Mỹ, Nga gặp nhau là hồi tháng 11/2017 tại Việt Nam bên lề Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC).


Thỏa thuận về việc tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Nga đạt được trong bối cảnh căng thẳng giữa Moskva và Washington nói riêng và phương Tây nói chung đang gia tăng. Trong nhiều năm qua, mối quan hệ song phương giữa Mỹ và Nga luôn bị phủ bóng đen do những bất đồng liên quan tới cuộc chiến ở Syria, xung đột tại miền Đông Ukraine và việc bán đảo Crimea sáp nhập trở lại Nga, cũng như những cáo buộc Nga can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 và vụ cựu điệp viên người Nga Sergei Skripal bị đầu độc tại Anh.


Bản thân Tổng thống Putin trong cuộc gặp Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton cũng cho rằng mối quan hệ giữa Nga và Mỹ hiện "không ở trong tình trạng tốt nhất". Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Nga chia sẻ chuyến thăm của ông Bolton tới Moskva làm dấy lên hy vọng rằng ít nhất hai bên có thể có bước đi đầu tiên hướng tới khôi phục mối quan hệ toàn diện. Bản thân nhà lãnh đạo Nga lâu nay nhiều lần khẳng định Nga không tìm kiếm sự đối đầu với Mỹ và sẵn sàng thảo luận những biện pháp nhằm "khôi phục các mối quan hệ toàn diện dựa trên sự bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau".


Về phần mình, Tổng thống Trump cũng bày tỏ lạc quan khi cho rằng nhìn chung các cuộc gặp đều có thể mang đến những điều tốt đẹp và tích cực. Trong khi đó, ông Bolton - vốn được biết đến là người có quan điểm cứng rắn đối với Nga, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì đối thoại, cho rằng đây là biện pháp hữu ích cho hai nước nói riêng và sự ổn định của thế giới nói chung. Ông đánh giá sự tiếp xúc trực tiếp giữa hai tổng thống là vô cùng quan trọng và hoàn toàn nằm trong lợi ích quốc gia của Mỹ.


Trước đó, khi mới có thông tin về khả năng diễn ra cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và người đồng cấp Putin, giới chức cấp cao trong Bộ Ngoại giao Mỹ thừa nhận, về mặt lý thuyết, một cuộc đối thoại trực tiếp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Nga có thể giúp tháo gỡ những khác biệt lâu nay về vấn đề Ukraine, Syria và an ninh mạng trong các cuộc bầu cử nước ngoài. Ông John Herbst, chuyên gia về Nga thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, nhận định cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Nga có thể đem lại lợi ích, ít nhất là tạo ra thêm một đầu mối liên lạc trong bối cảnh cuộc chiến ở Syria hiện nay.


Tuy nhiên, đó là trong trường hợp cả Mỹ và Nga đều đạt được mục đích của riêng mình với những nhượng bộ từ cả hai phía. Giới quan sát nhận định Tổng thống Putin khó có khả năng đưa ra những nhượng bộ quan trọng trong một số vấn đề, khiến Washington khó có cớ tìm cách nới lỏng trừng phạt. Viện nghiên cứu chính sách Eurasia Group bình luận cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và người đồng cấp Putin có thể sẽ tạm thời xoa dịu căng thẳng Mỹ-Nga, song Mỹ nhiều khả năng vẫn sẽ ra các đòn trừng phạt mới. Ông Fyodor Lukyanov, Tổng biên tập tờ Russia in Global Affairs (Nước Nga và các vấn đề quốc tế), không kỳ vọng vào việc ông Trump và ông Putin có thể giải quyết khúc mắc trong vấn đề Ukraine và Syria.

 

Viện nghiên cứu Brookings bình luận: "Cả hai phe Cộng hòa và Dân chủ sẽ phản đối nới lỏng trừng phạt Nga, và Tổng thống Putin sẽ không chấp nhận một thỏa thuận  mà không có điều kiện này". Một số chuyên gia cũng hoài nghi về khả năng hai bên đạt được một kết quả có thể hướng tới những tiến triển thực chất.


Ngay trong chính giới Mỹ cũng xuất hiện một số ý kiến lo ngại về khả năng Tổng thống Trump sẽ rời cuộc gặp với một thỏa thuận kèm theo những nhượng bộ "cho không biếu không" đối với nhà lãnh đạo Nga. Ông Trump vốn đang phải đối mặt với sự phản đối từ đội ngũ trợ lý cấp cao và giới ngoại giao xung quanh cuộc gặp với ông Putin.


Bên ngoài nước Mỹ, việc Tổng thống Trump nhất trí tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Putin có thể "khuấy động" mối quan hệ vốn đang lạnh nhạt giữa Washington và các đồng minh. Kế hoạch tổ chức cuộc gặp được thông báo ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh NATO sắp tới ở Brussels, thậm chí được nhìn nhận là "sự chọc giận" các đồng minh thân cận nhất của Mỹ như Anh, khiến các nước hoài nghi về cam kết của ông Trump đối với liên minh này.

 

Thượng nghị sĩ Dân chủ Chris Coons (Crix Cun) nhận định một cuộc gặp thượng đỉnh mang tính xây dựng là "hoàn toàn có thể", tuy nhiên, ông bày tỏ quan ngại về khả năng nảy sinh mâu thuẫn giữa nhà lãnh đạo Mỹ và các nước đồng minh tại hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 7 tới. Trước đó, ông Trump đã tỏ thái độ cứng rắn với các đồng minh châu Âu tại hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế công nghiệp phát triển (G7) vừa diễn ra ở Canada, khiến mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương rơi vào nốt trầm. Nhiều ý kiến cho rằng việc Mỹ "xích lại gần" Nga đang phủ bóng lên hội nghị thượng đỉnh NATO sắp tới.


Nhìn lại kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 1/2017, Tổng thống Mỹ Trump luôn tìm cách củng cố các mối quan hệ với Moskva và không ngừng yêu cầu xúc tiến một cuộc gặp song phương với người đồng cấp Nga Putin. Nhà lãnh đạo Nga cũng không ít lần tỏ ý sẵn sàng gặp Tổng thống Trump. Rõ ràng là lãnh đạo hai nước đều bày tỏ thiện chí đối thoại trực tiếp bất chấp những căng thẳng trong quan hệ song phương. Mặc dù được đánh giá là sẽ khó tạo ra bước đột phá, song cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Nga mang một ý nghĩa biểu tượng về nỗ lực hướng tới cải thiện quan hệ giữa hai quốc gia đối đầu này.

 

Sự kiện này cũng thể hiện quan điểm của Tổng thống Trump rằng Washington và Moskva có thể chung tay giải quyết những vấn đề chính trị giữa hai nước cũng như ở khu vực Trung Đông và châu Âu. Thậm chí, không loại trừ khả năng hai bên sẽ đạt được những thỏa thuận để mở ra hướng giải quyết những vấn đề quốc tế nóng cần sự phối hợp của hai cường quốc có ảnh hưởng hàng đầu thế giới này, như thỏa thuận về giảm căng thẳng tại Syria mà hai nhà lãnh đạo đã nhất trí trong cuộc gặp chớp nhoáng vài phút ở Việt Nam tháng 11 năm ngoái. Bởi vậy, cuộc gặp này, nếu diễn ra, rõ ràng là cơ hội tốt đẹp cho quan hệ hai nước cũng như cho hòa bình và ổn định trên thế giới.

 

Phan An (TTXVN)
Tổng thống Putin mong muốn cải thiện quan hệ Nga-Mỹ
Tổng thống Putin mong muốn cải thiện quan hệ Nga-Mỹ

Ngày 27/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin bày tỏ hy vọng chuyến thăm Moskva của Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton sẽ giúp việc khôi phục hoàn toàn mối quan hệ song phương Nga-Mỹ trong bối cảnh căng thẳng giữa Moskva và phương Tây đang gia tăng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN