Khi Hy Lạp đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009, bà Merkel và các bộ trưởng trong Chính phủ Đức đã yêu cầu Athens thực hiện các biện pháp cắt giảm sâu ngân sách và tăng mạnh các khoản thuế để đổi lấy các gói cứu trợ trị giá hơn 300 tỷ euro. Tháng trước, trong cuộc trả lời phỏng vấn với báo giới Hy Lạp, bà Merkel thừa nhận các cuộc đàm phán về gói cứu trợ Hy Lạp là "thời điểm khó khăn nhất" trong 16 năm cầm quyền của bà. Vì những điều kiện nhận cứu trợ buộc Hy Lạp phải thực hiện các chính sách "thắt lưng buộc bụng" hà khắc nên báo Bild của Đức mô tả bà Merkel là một trong những phụ nữ không được chào đón ở Hy Lạp và chuyến đi của bà lần này là cách để nói lời tạm biệt với "những khủng hoảng"- không chỉ khủng hoảng tài chính mà còn cả khủng hoảng di cư.
Tuy nhiên, các quan chức Hy Lạp nhấn mạnh rằng đất nước này đã chuyển mình kể từ năm 2015 và đã được vực dậy từ cuộc khủng hoảng từng quét sạch một phần tư nền kinh tế của Hy Lạp và gây ra tình trạng thất nghiệp lớn. Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis nhấn mạnh bà Merkel có "mối quan hệ đặc biệt" với Hy Lạp.
Trong phát biểu đưa ra hồi tuần trước tại Brussels (Bỉ), ông Kyriakos Mitsotakis khẳng định bà Merkel thừa nhận rằng bà đã đưa ra nhiều yêu cầu khó với Hy Lạp và rằng các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" có lúc vượt quá giới hạn chịu đựng xã hội Hy Lạp. Tuy nhiên, cũng chính bà Merkel đã đi ngược lại các khuyến nghị từ các bộ trưởng của Đức để giữ Hy Lạp ở lại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Ngay khi đặt chân đến Hy Lạp vào tối 28/10 trong chuyến thăm lần thứ 4 đến đất nước này, bà Merkel đã có bữa tối riêng với người đồng cấp Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis. Các nguồn tin chính phủ cho biết trong ngày 29/10, bà Merkel sẽ gặp các quan chức Hy Lạp, trong đó có Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis và Tổng thống Katerina Sakellaropoulou, thảo luận về cuộc khủng hoảng năng lượng, đại dịch COVID-19 và những vấn đề gai góc trong quan hệ Hy Lạp với nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ.