Hãng thông tấn Reuters (Anh) đánh giá chuyến thăm của ông Blinken cho thấy tập trung dài hạn chiến lược của Mỹ vẫn là khu vực châu Á-Thái Bình Dương bất chấp đang xảy ra căng thẳng leo thang liên quan đến Nga, Ukraine.
Theo lịch trình, Ngoại trưởng Blinken rời Mỹ từ 7/2 để đến Australia, Fiji và Hawaii nhằm gặp gỡ các đồng minh và tái khẳng định cam kết trước cái Washington gọi là sự “áp bức” kinh tế và quân sự ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc.
Điểm nhấn là cuộc gặp giữa Australia, Ấn Độ, Nhật Bản cùng Mỹ nhằm nâng cao nỗ lực ngoại giao liên quan đến Triều Tiên cũng như quan ngại của các quan chức Mỹ về các đảo Thái Bình Dương nơi họ nghi ngờ Trung Quốc có ý đồ thiết lập căn cứ quân sự. Các nhà lập pháp tại Kiribati trong năm 2021 từng cho biết Trung Quốc đã lên kế hoạch nâng cấp đường băng tại một trong những đảo của Kiribati, nơi cách Hawaii 3.000 km.
Cuộc gặp của các đại diện Australia, Ấn Độ, Nhật Bản cùng Mỹ tại Melbourne được cho xoay quanh nội dung liên quan đến cách mở rộng mục tiêu của các nước này bao gồm chính sách khí hậu, cung cấp vaccine COVID-19 cho Đông Nam Á.
Trong chuyến thăm Fiji, Ngoại trưởng Mỹ dự kiến thảo luận về chính sách khí hậu, an ninh và ổn định khu vực Thái Bình Dương với các nhà lãnh đạo Fiji.
Tại Hawaii, Ngoại trưởng Blinken sẽ gặp gỡ những người đồng cấp Nhật Bản và Hàn Quốc. Thảo luận của họ dự kiến xoay quanh vấn đề Triều Tiên. Tính từ đầu năm đến ngày 28/1, Triều Tiên đã phóng thử tên lửa tới 6 lần.
Chuyến thăm của ông Blinken diễn ra vài ngày sau khi lãnh đạo Nga và Trung Quốc gặp gỡ và tuyên bố đối tác chiến lược không giới hạn. Trung Quốc và Nga còn cam kết bảo vệ các lợi ích chiến lược song phương. Moskva và Bắc Kinh cũng lên tiếng bày tỏ lo ngại về liên minh liên minh 3 bên AUKUS gồm Australia, Anh và Mỹ.
Mỹ từng cho biết AUKUS và mở rộng hợp tác "bộ tứ kim cương" (còn gọi là QUAD) thể hiện cam kết của Washington với Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Chuyên gia Charles Edel tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nêu rõ: “Chuyến thăm của Ngoại trưởng Blinken thể hiện tầm quan trọng và thách thức đối với việc Washington duy trì tập trung vào Ấn Độ-Thái Bình Dương”.
Mối quan hệ Mỹ-Trung Quốc đang ở mức xấu nhất trong trong nhiều thập niên qua khi hai nước bất đồng về nhiều vấn đề.
Các nhà phân tích nhận định rằng quyết định của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã giảm cam kết của Washington với khu vực nơi nhiều quốc gia coi Trung Quốc là đối tác thương mại chính.
Vào tháng 10/2021, Tổng thống Joe Biden phát biểu với các lãnh đạo châu Á rằng Mỹ sẽ tiến hành đàm phán về một Khung Kinh tế Ấn Độ-Thái Bình Dương nhưng chi tiết liên quan vẫn chưa được công bố.