Theo tờ Financial Times, trong chuyến thăm 2 ngày tới Ấn Độ, Thủ tướng Johnson sẽ tránh đề cập tới cuộc khủng hoảng ở Ukraine, thay vào đó sẽ thảo luận về hợp tác thương mại, quốc phòng chặt chẽ hơn, đồng thời thúc đẩy hợp tác trong các dự án xanh. Hai bên cũng mong muốn đạt được một thỏa thuận thương mại vào cuối năm nay, mốc thời gian phù hợp với chu kỳ bầu cử của Anh và Ấn Độ, sẽ diễn ra vào năm 2024, mặc dù các cuộc đàm phán dự kiến sẽ khó khăn.
Các quan chức Anh cho rằng Ấn Độ muốn nước này cấp nhiều thị thực hơn cho người Ấn Độ làm việc tại Anh. Đây từng là vấn đề gây tranh cãi trong chuyến thăm Ấn Độ vào năm 2016 của cựu Thủ tướng Anh Theresa May, người có lập trường cứng rắn về vấn đề nhập cư. Các cuộc đàm phán giờ đây có thể dễ dàng hơn, do hệ thống nhập cư hậu Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu) của Anh đã mở cửa cho nhiều người Ấn Độ hơn. Năm 2021, Anh cấp 65.000 thị thực lao động có tay nghề cho các công dân Ấn Độ, chiếm hơn 40% tổng số thị thực được cấp.
Tuy nhiên, theo một quan chức cấp cao của Ấn Độ, thị thực không phải là ưu tiên hàng đầu của nước này, nhấn mạnh điều quan trọng là dỡ bỏ các rào cản đã hạn chế khả năng tiếp cận thị trường Anh của ngành dịch vụ và sản xuất của Ấn Độ. Còn Anh hy vọng một thỏa thuận thương mại tự do với Ấn Độ sẽ giúp nước này tăng xuất khẩu rượu whisky, xe hơi và phụ tùng xe hơi, cũng như khả năng tiếp cận thị trường dịch vụ của Ấn Độ. Tuy nhiên, quan chức này cảnh báo Anh không nên mong đợi việc dỡ bỏ các rào cản thương mại tương tự, do mức thuế quan hiện nay của Ấn Độ cao trong khi dân số thu nhập thấp hơn.
Hai bên hiện vẫn chưa bắt đầu các cuộc đàm phán thương mại chi tiết, và việc đạt được bất kỳ thỏa thuận nào có khả năng sẽ không tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế Anh. Chính phủ Anh ước tính hiệp định thương mại tự do với Ấn Độ có thể thúc đẩy tổng sản phẩm quốc nội nước này tăng từ 3,3 tỷ bảng đến 6,2 tỷ bảng vào năm 2035 (khoảng 0,12-0,22%).