Theo các nguồn tin, trong chuyến thăm này, phía Anh sẽ đề cập đến nhiều vấn đề trong quan hệ song phương và quốc tế, trong đó có việc Ấn Độ mua dầu của Nga, cuộc chiến tại Ukraine và tiến độ của Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương. Ngoài ra, hai bên cũng sẽ thảo luận về một thỏa thuận quốc phòng.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Anh có kế hoạch đi thăm một bang của Ấn Độ được xem là “mô hình hợp tác thành công” giữa hai nước. Thủ tướng Anh hy vọng qua chuyến thăm sẽ hiểu rõ hơn quan điểm của Ấn Độ về cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay.
Trong khi đó, New Delhi dự kiến sẽ trao đổi với Thủ tướng Johnson về lập trường của mình đối với Nga, giống như Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar đã làm tại Mỹ trong tuần này.
Hiện Ấn Độ đang tích cực tìm kiếm các quan hệ đối tác quốc phòng mới bao gồm cả chuyển giao công nghệ để có thể hợp tác sản xuất thiết bị quốc phòng theo chương trình “Sản xuất tại Ấn Độ”. Vì thế, việc Ấn Độ tăng cường các đơn đặt hàng quốc phòng từ Anh có thể sẽ được tính tới, nhất là trong bối cảnh quan hệ quốc phòng song phương ngày càng phát triển sau khi Anh tuyên bố ủng hộ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và cử một nhóm tàu sân bay tới khu vực tham gia nhiều hoạt động, trong đó có cuộc tập trận chung với Hải quân và Không quân Ấn Độ.
Về quan hệ thương mại, hiện Anh và Ấn Độ đang thảo luận nội dung chi tiết của dự thảo hiệp định FTA song phương. Dự thảo có tổng cộng 26 chương, trong đó có 4 chương đã đạt được nhất trí và 22 chương đang ở giai đoạn đàm phán cuối cùng. Dự kiến hai bên có thể hoàn tất đàm phán về hiệp định này vào cuối năm nay.
Lâu nay, Ấn Độ luôn coi Anh là một đối tác tự nhiên trong nhiều lĩnh vực, từ chăm sóc sức khỏe, khoa học đời sống, công nghệ, tăng trưởng xanh đến tài chính bền vững… Về phần mình, Anh cũng ưu tiên và tăng cường can dự với Ấn Độ kể từ khi rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Lần gần đây nhất Thủ tướng hai nước gặp nhau là tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP 26).