Trước đó, dẫn các nguồn tin từ Mỹ và đồng minh, tờ New York Times đưa tin ông Kim Jong-un sẽ bắt đầu chuyến công du nước ngoài hiếm hoi vào tuần tới.
“Ông Kim Jong-un sẽ đi từ thủ đô Bình Nhưỡng, có thể bằng tàu bọc thép, đến Vladivostok trên bờ biển Thái Bình Dương của Nga, nơi ông sẽ gặp ông Putin. Cả hai nhà lãnh đạo sẽ có mặt tại khuôn viên Đại học Liên bang Viễn Đông ở Vladivostok để tham dự Diễn đàn Kinh tế Phương Đông, dự kiến diễn ra từ ngày 10 – 13/9”, tờ báo viết.
Tin tức về chuyến thăm Nga của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un được đưa ra vào thời điểm Mỹ bày tỏ lo ngại mối quan hệ quân sự giữa Nga và Triều Tiên ngày càng được thắt chặt.
Việc nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thực hiện chuyến hành trình kéo dài 20 giờ bằng đường sắt tới Nga một lần nữa hay không hiện là tâm điểm chú ý của giới truyền thông.
Trong suốt 17 năm cầm quyền, nhà lãnh đạo tiền nhiệm, ông Kim Jong Il, đã thực hiện khoảng chục chuyến đi nước ngoài. Phần lớn các chuyến công du này tới Trung Quốc với phương tiện đi lại là tàu hỏa.
Theo một báo cáo được công bố vào năm 2002 của Konstantin Pulikovsky, một quan chức Nga hộ tống ông Kim Jong-ll trong chuyến công du kéo dài 3 tuần tại Moskva, đoàn tàu chở nhà lãnh đạo Triều Tiên mang theo những thùng rượu vang Pháp đắt tiền cũng như phục vụ món tôm hùm tươi và thịt lợn nướng.
Tuy nhiên, điểm đặc biệt nhất của chiếc tàu này là an ninh. Theo báo chí Hàn Quốc, Triều Tiên có tổng cộng 90 toa xe đặc biệt và vận hành ba chuyến tàu cùng lúc khi chủ tịch nước này đi công tác. Một chuyến tàu đi trước và đi sau để kiểm tra đường ray, một chuyến tàu ở giữa chở nhà lãnh đạo và đoàn tùy tùng. Thiết bị liên lạc công nghệ cao và TV màn hình phẳng được lắp đặt trên tàu để chủ tịch Triều Tiên có thể chỉ đạo và nhận thông tin giao ban.
Trong hai năm 2018-2019, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã sử dụng tàu hỏa bọc thép để đến các điểm hẹn gặp Tổng thống Nga Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tại hành trình trước gặp Tổng thống Putin, nhà lãnh đạo Kim Jong-un ngồi tàu mất một ngày, xuất phát từ thủ đô Bình Nhưỡng, đi dọc tuyến đường sắt theo bờ biển phía Đông và băng qua một con sông biên giới để vào đất Nga.
Thi thoảng, ông Kim Jong-un cũng thực hiện các chuyến công du nước ngoài bằng đường hàng không. Năm 2018, máy bay chở ông đã hạ cánh tại thành phố Đại Liên phía Đông Bắc Trung Quốc. Chuyến bay đánh dấu mốc đầu tiên một nhà lãnh đạo Triều Tiên công khai ra nước ngoài bằng đường hàng không kể từ chuyến bay của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành sang Liên Xô năm 1986.
Chuyên cơ chở nhà lãnh đạo Kim Jong-un là phiên bản cải tiến của chiếc IL-62 do Liên Xô sản xuất, đặt với tên gọi “Chammae-1”, loài chim quốc gia của Triều Tiên. Truyền thông Hàn Quốc cho biết máy bay có thể chở khoảng 200 người và tầm bay tối đa là khoảng 9.200 km.
Kể từ khi Triều Tiên đóng cửa biên giới vào đầu năm 2020 để phòng ngừa đại dịch COVID-19, nhà lãnh đạo Kim Jong-un chưa gặp bất kỳ nhà lãnh đạo nước ngoài nào.
Theo ông Yang Moo-jin, hiệu trưởng Đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở Hàn Quốc, chuyến đi thứ hai của ông Kim tới Nga có thể báo hiệu sự khởi động lại chính sách ngoại giao giữa hai nước. Ông Yang cũng dự đoán sau chuyến công du Nga, nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể có chuyến thăm Trung Quốc để gặp ông Tập Cận Bình.