Theo nhà báo Kavi, trước hết, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tăng cường quan hệ Thái Lan - Việt Nam khi ông sẽ gặp các lãnh đạo cấp cao của Thái Lan, trong đó có diện kiến Nhà vua, bên cạnh cuộc gặp đặc biệt với Chủ tịch Quốc hội Thái Lan Muhamad Wan Noor Matha và các nghị sĩ hàng đầu.
Tuy vậy, điểm nhấn của chuyến thăm này chính là sự kiện Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ tới tỉnh Udon Thani để thăm cộng đồng kiều bào và khai trương “Phố Việt Nam” (Việt Nam Town) đầu tiên trên thế giới tại đây. Đây là lần đầu tiên trong khu vực có một thông báo như vậy về sự hiện diện của cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Đó cũng là sự công nhận ở Thái Lan, đặc biệt là ở Udon Thani, rằng có một nơi được gọi là “Phố Việt Nam”. Điều này rất có ý nghĩa ở Thái Lan, nơi có hơn 100.000 Việt kiều sinh sống và có đóng góp ngày càng lớn vào xã hội sở tại.
Nhà báo Kavi nhấn mạnh chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới Udon Thani chính là sự tiếp nối di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã đến và sống ở vùng Isaan (Đông Bắc Thái Lan) những năm 1927-1928 trong hành trình hoạt động cách mạng và để lại di sản tốt đẹp đến ngày nay. Vì vậy theo ông, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ rất có ý nghĩa vì nó không chỉ là sự tiếp nối quá khứ, thúc đẩy tương lai của quan hệ Thái Lan - Việt Nam mà còn là bước đệm để hai nước tiến lên từ quan hệ đối tác chiến lược đến đối tác chiến lược toàn diện trong tương lai gần.
Nhận xét về quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Thái Lan tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhà báo Kavi cho rằng Thái Lan và Việt Nam đều nằm ở vị trí rất chiến lược ở lục địa Đông Nam Á và là những nước đóng vai trò quan trọng trong ASEAN. Do đó, cùng với nhau hai nước có thể có thể hợp tác và tạo ra mối quan hệ cân bằng với tất cả các cường quốc. Và theo ông, điều rất quan trọng cần đề cập là Thái Lan và Việt Nam đều là thành viên của tiểu vùng sông Mekong. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã có cam kết rất lớn trong việc thúc đẩy hợp tác ở Mekong và cùng với Thái Lan theo Cơ chế hợp tác chiến lược kinh tế 3 dòng sông Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS).
Cả hai quốc gia đều có thể giúp quản lý tài nguyên nước trở nên bền vững và duy trì môi trường xanh, đặc biệt là có thể thúc đẩy sự kết nối hay còn gọi là khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng Mekong mà theo ông có thể mở rộng ra mạng lưới toàn cầu. Ông Kavi cũng đánh giá cáo việc hai nước đã cùng nhau thực hiện “mạng lưới ba kết nối”, trong đó có kết nối giữa khu vực tư nhân với chính phủ và cấp địa phương cũng như các doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp.
Đánh giá lĩnh vực hợp tác nghị viện giữa hai nước, nhà báo Kavi nhấn mạnh sự hợp tác giữa hai ngành lập pháp là rất quan trọng. Ông cho biết: “Sự hội nhập của ASEAN rất quan trọng và phụ thuộc rất nhiều vào các nhà lập pháp. Việt Nam hội nhập với ASEAN rất nhanh là do Quốc hội Việt Nam đã điều chỉnh các biện pháp lập pháp hướng tới mục tiêu hội nhập ASEAN. Tôi đã theo dõi những diễn biến của ngành lập pháp Việt Nam, cách Việt Nam thay đổi luật để thích ứng và điều chỉnh theo quy định rộng hơn của ASEAN và nhận thấy rằng tiến trình hội nhập của các bạn diễn ra rất suôn sẻ và đặc biệt nhanh kể từ sau năm 2010”.
Chuyên gia Thái Lan nhìn nhận giữa nghị viện hai nước còn rất nhiều dư địa hợp tác, ví dụ như hợp tác giữa các ủy ban trong quốc hội, bên cạnh việc trao đổi cấp cao giữa hai nước. Theo ông Kavi, đây là sự khởi đầu rất tốt để Thái Lan có con đường trở nên toàn diện và sâu sắc hơn trong mối quan hệ giữa hai bên.
Đánh giá về chính sách đối ngoại của Việt Nam, nhà báo Kavi đánh giá cao bản sắc “ngoại giao cây tre” của Việt Nam. Thành quả rõ nét nhất thể hiện ở việc Việt Nam cho đến nay là một trong những quốc gia có nhiều hiệp định thương mại tự do nhất với 16 hiệp định FTA. Điều này cho thấy sự năng động trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Nhà báo Thái Lan cũng cho rằng cùng nhau, hai chính sách đối ngoại càng làm cho hai nước gắn kết chặt chẽ hơn với nhau.