Giáo sư Mine, một chuyên gia của Nhật Bản về khu vực Đông Á, dự đoán hội nghị này có thể đạt “được kết quả ở mức độ nào đó”. Ông nói: “Hiện tại, sự tiếp cận, quan điểm của Triều Tiên với quan điểm của Mỹ, của Tổng thống Trump có sự khác biệt lớn. Mỹ yêu cầu thúc đẩy giải pháp phi hạt nhân hóa có thể kiểm chứng. Trong khi đó, Triều Tiên lại muốn thực hiện giải pháp từng giai đoạn, không đồng ý với giải pháp giải quyết dứt điểm một lần. Đây là điểm khác biệt lớn. Vì vậy, hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai tại Hà Nội hoặc là sẽ đạt kết quả nhất trí với giải pháp tiến hành theo từng giai đoạn, hay là tiến tới kết quả nhất trí với giải pháp toàn diện, thực hiện phi hạt nhân hóa có kiểm chứng”.
Ngoài ra, ông cũng thận trọng lưu ý hội nghị lần này có thể “chứa đựng nhiều rủi ro” hơn đối với Tổng thống Trump. Ông nói: “Đối với Tổng thống Donald Trump, nếu hội nghị lần này không có tiến triển thuận lợi, ông sẽ đối mặt với tình huống rất khó khăn tại Mỹ. Nếu hội nghị lần thứ hai thất bại, dư luận sẽ đặt câu hỏi tại sao lại tổ chức hội nghị lần thứ hai”.
Đánh giá về khả năng Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên, Giáo sư Mine cho rằng Mỹ sẽ không dỡ bỏ trừng phạt đối với Triều Tiên và Nhật Bản cũng nhất trí với quan điểm này. Theo ông, Mỹ có quan điểm rằng các biện pháp trừng phạt là cần thiết, quan trọng nhằm đạt được mục đích hiện thực hóa tiến trình phi hạt nhân. Vì vậy, Washington sẽ không thể dễ dàng nới lỏng. Tuy nhiên, quan điểm của Hàn Quốc thì khác và Triều Tiên cũng vậy. Cả hai nước đều cho rằng giải pháp từng giai đoạn, từng bước là cần thiết.
Bình luận về nước chủ nhà của Việt Nam, Giáo sư Mine nhận định, nền kinh tế Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ và nhà lãnh đạo Kim Jong-un có sự quan tâm rất lớn tới phát triển kinh tế-xã hội.