Chuyên gia Nga:“Tướng Giáp là nhà chỉ huy quân sự tài ba”

Ông E. Glazunov, sinh năm 1931, từng là Chủ tịch Hội Hữu nghị Nga-Việt nhiều năm và là phiên dịch của Trung ương ĐCS Liên Xô trong các buổi làm việc với Hồ Chủ tịch và các nhà lãnh đạo lão thành của Việt Nam. Phóng viên TTXVN tại LB Nga đã có cuộc phỏng vấn ông Glazunov về Đại Tướng Võ Nguyên Giáp sau khi Đại tướng qua đời.

 

Thưa ông Glazunov, ông biết tin Đại Tướng Võ Nguyên Giáp mất khi nào và cảm xúc của ông lúc đó ra sao?


Tối 4/10, tôi vào Internet như thường lệ và đọc được thông tin bất ngờ là Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từ trần. Mặc dù thông tin đi kèm cho biết ông hưởng thọ 102 tuổi, song tôi vẫn thấy đây là một cú sốc vì tôi đã có thời gian khá dài tiếp xúc và làm việc với Tướng Giáp, giữa chúng tôi có mối quan hệ cá nhân thân tình. Ông là người khá đặc biệt, là một vị chỉ huy quân sự tài ba, rất cương quyết song cũng là người đối thoại rất chăm chú, gần gũi, yêu quý tình cảm.

 

Cuộc trò chuyện giữa nhà báo Cao Cường, phóng viên thường trú TTXVN tại LB Nga và ông E. Glazunov. Duy Trinh


Ngay lúc biết tin, trong tôi chợt hiện về ký ức của những lần tôi và Tướng Giáp gặp nhau khi thì ở Hà Nội, khi thì Moskva. Chúng tôi trò chuyện, chia sẻ cách nhìn nhận cuộc sống một cách rất thú vị. Tôi rất đau buồn trước việc Tướng Giáp, người bạn thân thiết lâu năm của tôi đã từ giã cõi trần.

 

Như ông vừa chia sẻ, ông có thời gian tiếp xúc khá nhiều với Tướng Giáp, vậy ấn tượng nào để lại trong ông sâu sắc nhất?

 

Tôi nhớ không nhầm thì lần đầu tiên tôi gặp Tướng Giáp là năm 1963 hay 1964 gì đó, khi tôi sang Hà Nội công tác nhiệm kỳ. Tất nhiên, đây mới chỉ là sự làm quen "từ xa" vì khi đó tôi chỉ là một cán bộ của Đại sứ quán Liên Xô tại Hà Nội, thỉnh thoảng có thấy Tướng Giáp đến Đại sứ quán tham dự một số hoạt động. Đến năm 1967-1968, khi tôi đã quay về Moskva làm việc ở Trung ương ĐCS Liên Xô thì Tướng Giáp sang chữa bệnh. Thời điểm này chúng tôi mới chính thức làm quen cá nhân với nhau. Chúng tôi gặp nhau khá thường xuyên ở khu nghỉ dưỡng ở ngoại ô Moskva, nơi ông đang được chăm sóc sức khỏe. Đề tài các buổi nói chuyện hồi đó rất phong phú, từ y học đến quân sự và cuộc sống thường nhật, mặc dù ông là Đại Tướng còn tôi mới chỉ là cậu "lính quèn". Các năm sau đó, tôi và Tướng Giáp gặp nhau khá thường xuyên, khi thì ông sang Moskva công tác, khi thì tôi đi Hà Nội.


Tôi xin chia sẻ ba lần gặp Tướng Giáp làm tôi nhớ nhất. Lần thứ nhất là năm 1970, khi ông cùng vợ sang Moskva công tác kết hợp nghỉ dưỡng. Lần thứ hai là năm 1980 ở sân bay vũ trụ Balkonur, khi chúng tôi chuẩn bị đưa phi hành gia Liên Xô Gorbatko và anh hùng phi công Việt Nam Phạm Tuân bay vào vũ trụ. Tướng Giáp lúc đó là trưởng phái đoàn chính phủ Việt Nam sang tham dự sự kiện. Ông rất ân cần và chu đáo thăm hỏi các sỹ quan của chúng tôi về công tác chuẩn bị cho chuyến bay lịch sử. Sau đó, ông có cuộc gặp với các phi hành gia Liên Xô và làm việc với Bộ trưởng Quốc phòng của chúng tôi. Cuộc gặp có sự hiện diện của rất nhiều nguyên soái và tướng lĩnh và tôi làm phiên dịch.


Lần thứ ba là khoảng đầu những năm 1980, tôi có chuyến công tác Việt Nam và nhiệm vụ được giao là phải gặp Tướng Giáp. Sang đến nơi, tôi gọi đến Bộ Quốc phòng xin được gặp Tướng Giáp khoảng 15-30 phút. Lễ tân đồng ý cho tôi đến gặp với thông báo chỉ được tối đa 30 phút vì Tướng Giáp rất bận. Nhưng không ngờ sau đó cuộc gặp giữa chúng tôi có quá nhiều vấn đề trao đổi và kéo dài tận 1 tiếng rưỡi.

 

Ông đánh giá thế nào về con người Tướng Giáp?

 

Tôi luôn rất kính trọng con người Tướng Giáp. Đối với tôi, ông là một người nói chuyện thú vị, gần gũi. Tôi cũng rất có cảm tình với gia đình Đại tướng, phu nhân ông và các con gái. Rất may năm 2005 tôi có dịp gặp lại ông và gia đình tại tư gia ở Hà Nội trong chuyến đi Việt Nam cùng với các cựu chuyên gia quân sự Liên Xô. Vừa nhìn thấy tôi Tướng Giáp đã reo lên "Ôi, ông Việt Nam!" và tặng tôi một cuốn sách về nghệ thuật quân sự.
Năm 2005 Tướng Giáp nói chuyện còn rất tỉnh táo, mặc dù tuổi đã cao. Nhiều thành viên đoàn chúng tôi phải trầm trồ trước trí nhớ tuyệt vời của ông khi đã ở tuổi 95.

 

Ông là người được chứng kiến chặng đường khá dài của lịch sử Việt Nam nói chung, quân đội Việt Nam nói riêng. Ông đánh giá thế nào về tài thao lược quân sự của Tướng Giáp?

 

Tôi không có chuyên môn trong lĩnh vực này, song tôi cho rằng Tướng Giáp là nhà chỉ huy quân sự tài ba. Không phải ngẫu nhiên mà cả các Tướng lĩnh Mỹ và Pháp từng thất trận dưới tay ông cũng phải cúi đầu kính phục.


Ở Liên Xô và nước Nga sau này, tôi nhận được rất nhiều cuộc điện thoại từ Viện hàn lâm khoa học quân sự hỏi nơi có thể làm quen với các công trình nghiên cứu quân sự và nghệ thuật chiến tranh du kích của Việt Nam và Tướng Giáp để họ làm luận án tiến sỹ. Bản thân điều đó đã cho thấy tính phổ quát lớn lao của nghệ thuật quân sự của Tướng Giáp và sự quan tâm của quốc tế đối với chiến lược chiến tranh du kích kỳ diệu của ông.

 

Xin cảm ơn ông đã có buổi trò chuyện với TTXVN!


Cao Cường (Thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN