Tổng thống Mỹ Joe Biden có kế hoạch công du châu Âu từ ngày 24/3 để thảo luận về các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.
Trong khi Liên minh châu Âu (EU) tạm dừng áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Nga để chờ kết quả đàm phán giữa Kiev và Moskva, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã ủng hộ các biện pháp cứng rắn hơn.
Theo báo Nezavisimaya Gazeta (Nga), điều này có thể báo hiệu rằng Nhà Trắng không kỳ vọng cuộc xung đột sẽ sớm kết thúc và xác định rằng NATO nên can thiệp vào cuộc khủng hoảng này theo một cách nào đó.
Quan điểm áp đặt các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ đang mâu thuẫn với kết quả cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng EU hồi đầu tuần này. Theo đó, EU đã đưa ra một quyết định tạm dừng áp dụng các biện pháp trừng phạt. Lý do ở đây là vì có những dự báo lạc quan về các cuộc đàm phán Ukraine-Nga đang diễn ra. Theo Ukraine và Nga, đối thoại vẫn gặp thách thức, nhưng cả Kiev và Moskva đều không tuyên bố bế tắc trong quá trình đàm phán.
Trong khi đó, ông Biden đã công khai cảnh báo rằng Nga có thể leo thang tình hình, nhấn mạnh rằng Moskva có thể sử dụng các cuộc tấn công mạng nhằm vào các công ty Mỹ hoặc thậm chí sử dụng vũ khí hóa học ở Ukraine.
Nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Mỹ và Canada tại Viện Hàn lâm Khoa học Nga, Vladimir Vasiliev, nói với Nezavisimaya Gazeta rằng, ông Biden đến châu Âu không phải để thảo luận về các lệnh trừng phạt cứng rắn hơn hoặc mở rộng chúng sang lĩnh vực năng lượng nhạy cảm nhất của Nga. Theo chuyên gia này, Tổng thống Mỹ muốn thảo luận về khả năng can dự của NATO vào cuộc xung đột Nga-Ukraine.
"Chuyến công du của Tổng thống Mỹ tới châu Âu để tạo liên minh và thảo luận về năng lượng là điều không thể xảy ra. Vì điều này có thể được thực hiện từ xa bằng các cuộc hội đàm trực tuyến. Tuy nhiên, nếu nói về sự can dự quân sự, thì các cuộc thảo luận trực tiếp của ông Biden là hoàn toàn cần thiết", nhà phân tích trên lập luận.
Theo vị chuyên gia này, một động thái như vậy đối với Tổng thống Biden sẽ hợp lý trong bối cảnh cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ sắp diễn ra. Ông Biden hiện đang bị chỉ trích, không chỉ vì để cho Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, mà còn vì cách tiếp cận mà Washington đã chọn: chỉ hỗ trợ Ukraine bằng các lệnh trừng phạt.