Theo báo Vedomosti (Nga) ngày 27/2, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 24/2 đã đưa ra một tuyên bố gồm 12 điểm, phác thảo tầm nhìn về một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột Ukraine, nhấn mạnh sự tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các nước, cũng như luật pháp quốc tế, và từ bỏ "tâm lý Chiến tranh Lạnh".
Các nước phương Tây và Kiev đã phản ứng tiêu cực trước các đề xuất của Trung Quốc nhằm giải quyết xung đột. Theo các nhà phân tích được tờ Vedomosti phỏng vấn, sáng kiến của Trung Quốc khó có thể tiến triển.
Bộ Ngoại giao Nga đã nhấn mạnh Moskva chia sẻ tầm nhìn của Bắc Kinh và hai nước nhất trí rằng mọi biện pháp trừng phạt không được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua là trái pháp luật.
Trong khi đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg bình luận về cách tiếp cận của Trung Quốc đã nhấn mạnh rằng "Bắc Kinh không có nhiếu uy tín với vai trò trung gian hòa giải".
Tiến sĩ Khoa học Chính trị Vasily Kashin tại Đại học Khoa học xã hội và Kinh tế Nga (HSE) cho rằng những phản ứng trên cho thấy kế hoạch của Trung Quốc phù hợp với Nga và sẽ bị phương Tây và Ukraine bác bỏ.
Đồng thời, chuyên gia này tin rằng mục đích thực sự đằng sau sáng kiến của Trung Quốc là thông báo với phần còn lại của thế giới rằng họ có các đề xuất hòa bình khả thi có thể được coi là một giải pháp thay thế cho các quan điểm của phương Tây.
Về phần mình, Yana Leksyutina, Giáo sư tại Đại học St Petersburg, nhận xét kế hoạch hòa bình của Trung Quốc khó có thể đặt nền móng cho một giải pháp thực sự cho cuộc xung đột Ukraine.
Bà Leksyutina nói thêm, về cơ bản, Bắc Kinh không nói gì mới. Chuyên gia này cho rằng Trung Quốc hiện đang tích cực quảng bá mình là một quốc gia đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh toàn cầu và khu vực, nhưng các kế hoạch của Bắc Kinh không đủ làm cơ sở cho bất kỳ sự thay đổi thực sự nào đối với tình hình ở Ukraine.
Cùng ngày, Điện Kremlin cho biết kế hoạch hòa bình của Trung Quốc đối với Ukraine, trong đó kêu gọi cả hai bên đồng ý giảm leo thang từng bước và cảnh báo chống lại việc sử dụng vũ khí hạt nhân, cần được phân tích chi tiết, có tính đến lợi ích của các bên.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nêu rõ bất kỳ sáng kiến nào như vậy có thể mang lại hòa bình đều đáng được quan tâm.