Hãng thông tấn Yonhap dẫn lời chuyên gia Victor Cha thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho biết chiến dịch bầu cử là biến số lớn trong bất kỳ cuộc đối thoại phi hạt nhân giữa Washington và Bình Nhưỡng.
Theo chuyên gia trên, không giống chính quyền các đời tổng thống trước, Tổng thống Trump quyết định chính sách đối ngoại dựa trên tính toán về tác động của chính sách tới cử tri.
“Tổng thống Trump mong muốn đạt được thỏa thuận để chứng tỏ nỗ lực của bản thân có kết quả lạc quan. Tuy nhiên, ông cũng muốn không ký kết vì bất kỳ thỏa thuận nào với Trung Quốc hay Triều Tiên hiện tại sẽ ngay lập tức bị các đối thủ thuộc đảng Dân chủ chỉ trích, cho dù đó là thỏa thuận tốt hay xấu”, chuyên gia Victor nhận định.
Tổng thống Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un từng ba lần gặp nhau để thảo luận về tiến trình loại bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng để đổi lấy lệnh dỡ bỏ trừng phạt và các phương án nhượng bộ khác.
Hội nghị thượng đỉnh lần 2 tổ chức tại Hà Nội vào tháng 2 vừa qua kết thúc mà không đạt được thỏa thuận sau khi hai bên vẫn còn khoảng cách giữa yêu cầu của Mỹ và Triều Tiên.
Đến tháng 6 năm nay, hai nhà lãnh đạo tiếp tục gặp mặt tại biên giới phân cách hai miền Triều Tiên và nhất trí nối lại đàm phán cấp chuyên viên. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, chưa có cuộc thảo luận nào được lên lịch trình.
Chuyên gia Victor nhận định: “Rất có thể ông ấy sẽ không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào với Trung Quốc về vấn đề thương mại, hay với Triều Tiên về vấn đề hạt nhân. Ông Trump chỉ cần thông báo các cuộc đàm phán vẫn tiếp diễn, tiếp tục gây sức ép lên các quốc gia và hy vọng động thái này được người ủng hộ ghi nhận là một bước thành công. Đối thủ của ông Trump sẽ rất khó chỉ trích ông về một điều chưa có gì cụ thể".
Chuyên gia kết luận vấn đề Triều Tiên có thể được chú ý nhiều hơn so với những lần bầu cử trước. Ông nói: “Đây thực sự là chính sách đối ngoại duy nhất mà chính quyền Tổng thống Trump thực hiện suốt hai năm qua. Rất nhiều thỏa thuận bị phá vỡ, một vài thỏa thuận thương mại tự do, nhưng không hề có chính sách ngoại giao thực sự. Vì lý do đó, vấn đề Triều Tiên có thể đóng một vai trò to lớn trong chiến dịch tranh cử lần này…”.