Trả lời phỏng vấn Kyodo tại trụ sở LHQ, ông Hugh Griffiths, đứng đầu ủy ban chuyên gia gồm 8 thành viên đến từ 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ cùng Nhật Bản, Hàn Quốc và Nam Phi, cho biết: "Báo cáo của chúng tôi cho thấy không có tiến bộ nào hướng tới phi hạt nhân hóa một cách có thể kiểm chứng".
Theo ông Griffiths, tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai vừa qua, hai nhà lãnh đạo đã không thu hẹp được bất đồng, trong đó Tổng thống Mỹ Donald Trump nhấn mạnh phi hạt nhân hóa hoàn toàn, trong khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nhấn mạnh yêu cầu dỡ bỏ trừng phạt.
Về vấn đề này, ông Griffiths cho rằng việc Bình Nhưỡng tập trung vào yêu cầu dỡ bỏ trừng phạt là dấu hiệu cho thấy các biện pháp trừng phạt có tác dụng và hiện chưa có cơ sở nào để nới lỏng trừng phạt, bởi các biện pháp này vốn không nhằm vào nền kinh tế Triều Tiên mà nhằm vào các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng, trong khi các chương trình này vẫn còn nguyên trạng.
Ủy ban chuyên gia LHQ đã công bố báo cáo hằng năm về Triều Tiên vào ngày 12/3 vừa qua. Các thành viên ủy ban gồm các chuyên gia trong các lĩnh vực, từ không phổ biến hạt nhân đến kiểm soát xuất khẩu hàng hóa, đã phân tích các phát hiện trong một năm qua.
Báo cáo được công bố một ngày sau khi ủy ban trên kêu gọi thúc đẩy một kênh ngoại giao để Bình Nhưỡng có thể được nới lỏng trừng phạt để thực hiện các cải cách mang lại lợi ích cho người dân. Theo các cơ quan của LHQ hoạt động tại Triều Tiên, có tới 41% người dân nước này đang trong tình trạng mất an ninh lương thực và không được tiếp cận các dịch vụ y tế và vệ sinh.
Từ năm 2006, Triều Tiên phải chịu các biện pháp trừng phạt ngày một siết chặt sau mỗi cuộc thử nghiệm hạt nhân và tên lửa của nước này. Đợt trừng phạt gần đây nhất, được công bố sau khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6 hồi tháng 9/2017, nhằm vào hoạt động nhập khẩu dầu thô và sản phẩm lọc dầu.