Theo Tiến sỹ Evgeni Klauber, mục tiêu hàng đầu của Chính quyền Syria hiện nay là giành lại kiểm soát toàn bộ lãnh thổ như trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng năm 2011. Mục tiêu này chưa đạt được vì IS tuy đã bị đánh bại về mặt quân sự nhưng vẫn hiện diện tại nhiều khu vực.
Hiện quân đội Chính phủ Syria đã kiểm soát khoảng 2/3 lãnh thổ nước này, trong khi tình hình cũng đang tiến triển tích cực tại khu vực Tây Nam. Đối với Israel, Tiến sỹ Evgeni Klauber cho rằng vấn đề của nước này tại Syria là Iran. Isarel cáo buộc Iran ủng hộ các nhóm bị coi là khủng bố như Hezbollah tại Liban ở phía Bắc Israel, và Hamas tại dải Gaza phía Nam Israel.
Iran cũng được cho là đang thiết lập một hành lang trên bộ nối Iran, Iraq và Syria tới Liban đe dọa an ninh quốc gia của Israel. Vì vậy, Israel không muốn có sự hiện diện của các lực lượng Iran tại Syria.
Trong khi đó, Iran có mục tiêu chiến lược tại Syria. Iran muốn vận chuyển khí đốt và dầu mỏ từ Iran qua lãnh thổ Syria để vào châu Âu. Bởi vậy Iran quyết tâm thiết lập và duy trì hành lang trên bộ nói trên.
Ngoài ra, Iran muốn có ảnh hưởng lâu dài tại Syria để cân bằng ảnh hưởng với Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia, hai đối thủ cạnh tranh lớn của Iran trong khu vực.
Đối với sự hiện diện của Nga tại Syria, Tiến sỹ Evgeni Klauber đánh giá Moskva hậu thuẫn Chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad để thể hiện kiên định chính sách duy trì sự ổn định tại khu vực. Tổng thống Nga Vladimir Putin cáo buộc phương Tây gây bất ổn khu vực.
Đối với Nga, Syria là ranh giới đỏ mà phương Tây không được vượt qua. Trên thực tế, cuộc chiến Syria đã giúp Nga lấy lại hình ảnh nước lớn và Nga cũng đã giải quyết được vấn đề địa chính trị của mình. Thông qua can dự quân sự vào Syria, Nga đã trở thành quốc gia bảo lãnh cho các cuộc đàm phán liên quan đến Syria.
Về tính toán của Mỹ, Tiến sỹ Evgeni Klauber nhận định Mỹ ủng hộ trực tiếp và gián tiếp một số lực lượng đối lập tại Syria, nhưng rất khó xác định rõ Mỹ đang hỗ trợ cho những bên nào. Mỹ ủng hộ lực lượng người Kurd vì lực lượng này giúp ổn định khu vực Mosul tại Iraq và Al-Raqqah tại Syria.
Tuy nhiên, Mỹ không thể hậu thuẫn người Kurd đến cùng vì lực lượng này đối lập với Chính quyền trung ương Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ. Mỹ không thể công nhận một nền tự trị cho người Kurd tại Trung Đông.
Mỹ và phương Tây đã thúc đẩy tiến trình đàm phán Geneva về Syria giữa các lực lượng đối lập và Chính quyền Syria, nhưng cũng có một số nhóm đối lập được bên ngoài hậu thuẫn không tham gia đàm phán. Điều này có nghĩa các nhóm này vẫn tiếp tục kiểm soát một số khu vực và chiến sự vẫn tiếp diễn tại Syria.
Tiến sĩ Klauber nhấn mạnh rõ ràng, các nước can dự vào cuộc khủng hoảng Syria đều muốn đạt được các tính toán riêng và không bên nào muốn các bên còn lại dễ dàng đạt được mục tiêu của mình. Đó là chưa kể một điều chắc chắn là không bên nào có đủ tiền để có thể tái thiết Syria. Bởi vậy, cuộc khủng hoảng Syria chưa thể đến hồi kết.