Theo hãng tin Reuters (Anh), Kenji Shibuya, cựu Giám đốc của Viện Sức khỏe Dân số tại trường Đại học Hoàng đế London, cho biết: “Rõ ràng, cơ chế ngăn lây lan COVID-19 đã bị phá vỡ. Mối quan tâm lớn nhất của tôi là sẽ có một ổ dịch trong Làng vận động viên Olympic hoặc ở một số toà nhà và nơi có sự tương tác với người dân địa phương”.
Ông nói thêm rằng việc xét nghiệm không đầy đủ ở sân bay và không thể kiểm soát việc đi lại của mọi người có thể làm trầm trọng thêm sự lây lan của biến thể Delta trong thời gian diễn ra Thế vận hội.
Các quan chức Thế vận hội mùa Hè Tokyo 2020 hôm 18/7 đã ghi nhận trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên trong Làng vận động viên ở Tokyo, nơi dự kiến có 11.000 vận động viên sẽ tập trung ở đây để tham gia thi đấu. Tính từ ngày 2/7 đến nay, Ban tổ chức Olympic Tokyo 2020 đã ghi nhận 58 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 trong số các vận động viên, quan chức và nhà báo.
Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) Thomas Bach tuần trước cho biết các quy trình xét nghiệm và cách ly sẽ khiến nguy cơ người tham gia Thế vận hội lây nhiễm cho người dân ở Nhật Bản là "0".
Tuy nhiên, ông Shibuya nói rằng tuyên bố này chỉ khiến mọi người bối rối và tức giận vì tình hình thực tế "hoàn toàn trái ngược".
Vào tháng 4, ông Shibuya, đồng tác giả của một bài bình luận trên Tạp chí Y khoa Anh, cho biết Thế vận hội cần phải được "xem xét lại" do Nhật Bản khó có khả năng ngăn chặn các trường hợp lây lan virus SARS-CoV-2.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ban tổ chức đã phải điều chỉnh quy tắc gần như hàng ngày để cố gắng giải quyết các vấn đề, giúp các vận động viên không bị loại khỏi các sự kiện một cách không cần thiết.
Trước đó, ông Pierre Ducrey, Giám đốc Điều hành Olympic thuộc IOC nêu rõ, 18.000 cá nhân dự thế vận hội thể thao phải trải qua khoảng 40.000 cuộc xét nghiệm COVID-19. Trong đó, mỗi cá nhân phải xét nghiệm hai lần, nhận kết quả âm tính trước khi đặt chân đến Nhật Bản và tiếp đến là các cuộc xét nghiệm nhanh ở sân bay, xét nghiệm định kỳ hằng ngày. Ngoài ra, các vận động viên phải rời Làng Olympic 48 tiếng sau khi môn thi kết thúc hoặc bị loại.
Ban tổ chức Olympic Tokyo cho hay trên 80% vận động viên hiện đã được tiêm phòng đầy đủ. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn chưa chắc rằng liệu những người nhiễm virus sau khi đã tiêm phòng có khả năng lây cho người khác hay không.
Naoto Ueyama, người đứng đầu Hiệp hội Bác sĩ Nhật Bản cảnh báo việc vận động viên từ hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ tới tham dự thế vận hội sẽ gây nguy hiểm và nguy cơ tạo ra "biến chủng Olympic".
Bác sĩ Naoto nhận định: “Tất cả chủng virus đột biến ở những nơi khác nhau sẽ tập trung tại Tokyo. Chúng ta không thể phủ nhận khả năng một chủng virus mới xuất hiện. Nếu tình huống đó xảy ra, virus mới có thể được đặt tên là “biến chủng Olympic Tokyo” và sẽ trở thành mục tiêu công kích, thậm chí trong 100 năm tới".
Ngoài các mối lo về COVID-19, thách thức của kỳ Olympic đặc biệt này còn đến từ thời tiết. Cơ quan khí tượng Nhật Bản (JMA) cho hay nhiệt độ tại đất nước “Mặt Trời mọc” sẽ tăng trên diện rộng ở khoảng 35 - 37 độ C, gây nắng nóng gay gắt ở phạm vi toàn quốc.
Các chuyên gia y tế công cộng cảnh báo rằng các yếu tố thời tiết, sự gia tăng di chuyển và sự lây lan của biến thể Delta có thể dẫn đến mức tăng vọt 2.000 ca/ngày ở Tokyo vào tháng tới, mức có thể đẩy hệ thống y tế của thành phố đến bờ vực sụp đổ.
Trong khi đó, chỉ 33% người dân ở Nhật Bản đã nhận được ít nhất một liều vaccine COVID-19, một trong những tỉ lệ thấp nhất trong số các nước giàu có, theo Reuters. Nước này đã đẩy mạnh triển khai tiêm chủng từ tháng trước, nhưng gần đây tỉ lệ tiêm chủng đã giảm do nguồn cung và hậu cần gặp khó khăn.
Tính đến ngày 19/7, Nhật Bản đã ghi nhận trên 841.500 ca mắc COVID-19 và vượt ngưỡng 15.000 trường hợp tử vong. Số ca mắc mới ở Tokyo đã đạt đỉnh 1.410 vào hôm 17/7, mức cao nhất trong gần 6 tháng qua, trong khi Thế vận hội chỉ còn 3 ngày nữa sẽ diễn ra.