“Những người chưa tiêm vaccine là những nhà máy biến thể virus tiềm ẩn. Càng nhiều người chưa tiêm vaccine thì virus càng có hội nhân bản và đột biến. Và một khi chúng đột biến, chúng có thể cho ra đời một biến thể thậm chí còn nguy hiểm hơn nguyên bản”, hãng CNN dẫn lời Tiến sĩ William Schaffner – Giáo sư tại khoa bệnh truyền nhiễm Trung tâm Y khoa Đại học Vanderbilt (Mỹ).
Trên thực tế, tất cả các loại virus đều có khả năng thay đổi và phát triển. Trong một số trường hợp, một loại virus có thể phát triển ngẫu nhiên và sở hữu thêm lợi thế khác, cụ thể như khả năng lây lan hơn hoặc lây nhiễm đa dạng vật chủ hơn.
Virus có lợi thế hơn sẽ đánh bật các phiên bản virus khác trong việc lây lan. Nếu một người lây nhiễm cho người khác, họ sẽ truyền phiên bản đột biến. Một khi chúng thành công lây lan với một số lượng nhất định, phiên bản đó trở thành một biến thể mới.
Đối với đại dịch COVID-19 đang hoành hành, virus SARS-CoV-2 đã xuất hiện nhiều biến thể mới. Biến thể Alpha được lần đầu tiên phát hiện ca mắc đầu tiên tại Anh, biến thể Beta tại Nam Phi và biến thể Delta tại Ấn Độ.
Đầu năm 2020, biến thể Alpha là thủ phạm chính gây ra các ca mắc mới tại Mỹ. Sau khi kiểm soát được dịch, hiện giờ Mỹ lại tiếp tục lo lắng đến biến thể Delta mới có khả năng lây lan hơn.
Các loại vaccine hiện hành vẫn được đánh giá là có khả năng bảo vệ con người trước các biến thể tính đến thời điểm này, song điều đó có thể thay đổi bất kỳ lúc nào. Đó là lý do tại sao bác sĩ và các quan chức y tế cộng đồng muốn càng nhiều người đi tiêm vaccine càng tốt.
“Chúng ta càng cho phép virus lây lan rộng hơn thì virus càng có cơ hội biến đổi nhiều hơn”, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo tháng trước.
Giới chức y tế Mỹ đã chỉ ra tình hình khác biệt giữa những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng cao và tỷ lệ tiêm chủng thấp. Hiện mới chỉ có 18 bang là hoàn thành tiêm đủ hai mũi vaccine cho hơn nửa dân số.
“Gần 1.000 hạt tại Mỹ có tỷ lệ tiêm chủng dưới 30%. Những cộng động chủ yếu ở khu vực Đông Nam và Trung Tây Mỹ dễ bị tổn thương nhất. Tại một số khu vực này, chúng ta đã chứng kiến số lượng các ca mắc mới tăng lên”, Tiến sĩ Rochelle Walensky – Giám đốc Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) phát biểu tại một cuộc họp ở Nhà Trắng ngày 1/7.
Nếu như một con virus tìm cách xâm nhập vào cơ thể một người đã có kháng thể, nó có thể thất bại, hoặc nếu có thành công cũng chỉ là một ca bệnh không triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ.
Các chuyên gia cảnh báo những người chưa tiêm vaccine không những tạo cơ hội cho virus lây lan mà còn giúp chúng thay đổi. “Virus biến đổi trong cơ thể một người là đủ”, Tiến sĩ Philip Landrigan, bác sĩ nhi khoa và nhà miễn dịch học tại trường Cao đẳng Boston, cảnh báo.