Củng cố chính sách “xoay trục”
Trong hai nhiệm kỳ đứng đầu Nhà Trắng, ông Obama luôn coi châu Á là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của mình nhằm “tái cân bằng” chính sách kinh tế và quốc phòng của Mỹ để đối phó với sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc. Điểm nhấn của chính sách “xoay trục” này chính là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với mục tiêu thúc đẩy thương mại tự do giữa ba lục địa và tạo ra một thị trường rộng lớn với 800 triệu dân. Ông Obama từng nói TPP có vai trò quan trọng trong việc thiết lập tiêu chuẩn cho các quy định thương mại toàn cầu.
Theo các chuyên gia, TPP sẽ giúp Mỹ thu hẹp ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực Thái Bình Dương, đảm bảo lợi ích địa chính trị, kinh tế và an ninh của Mỹ ở Đông Á. Trung Quốc không tham gia TPP, nguyên nhân chủ yếu do Mỹ đề xuất các quy tắc thương mại nhằm vào Trung Quốc, trong đó chú trọng thương mại tự do thay vì chỉ cắt giảm thuế quan như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). TPP đã được 12 nước thành viên ký kết hồi tháng 2 vừa qua và hiện các nước đang tiến hành thủ tục phê chuẩn cần thiết trước khi văn kiện này chính thức có hiệu lực. Chuyến công du châu Á kéo dài 8 ngày tới sẽ là cơ hội cuối cùng của ông chủ Nhà Trắng nhằm củng cố chính sách “tái cân bằng” trước khi rời nhiệm sở vào tháng 1/2017.
Tổng thống Obama tiếp tục nỗ lực củng cố chính sách “xoay trục” với chuyến thăm cuối cùng tới châu Á trước khi rời nhiệm sở. |
Với chuyến thăm Lào từ ngày 6/9, ông Obama sẽ trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên đến quốc gia Đông Nam Á này. Tại đây, ông sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN - Mỹ, sự kiện mang đậm “dấu ấn Obama”. Quan hệ đối thoại giữa Mỹ với các nước Đông Nam Á đã được khởi động từ năm 1977, nhưng phải đến năm 2010, dưới thời Tổng thống Obama, Mỹ mới trở thành một trong những nước đối thoại đầu tiên chính thức lập phái đoàn riêng tại ASEAN, cử Đại sứ Mỹ thường trú bên cạnh ASEAN. Mối quan hệ song phương này được thúc đẩy qua nhiều cơ chế, trong đó khuôn khổ Hội nghị Cấp cao Mỹ - ASEAN được thể chế hóa bằng các cuộc họp thường niên kể từ năm 2013. Tại hội nghị sắp tới, ông Obama sẽ thảo luận các cách thức nhằm tăng cường hợp tác với các quốc gia Đông Nam Á, những nước cùng nhau tạo thành đối tác thương mại lớn thứ 4 của Mỹ. Nhân dịp này, Tổng thống Mỹ sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), nơi ông sẽ thúc đẩy hợp tác đối phó với các thách thức trong khu vực và trên toàn cầu.
Chuyến thăm lịch sử của ông Obama cũng sẽ đánh dấu một chương mới trong quan hệ giữa Mỹ với Lào, nước hiện đóng vai trò đặc biệt trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Tại Viêng Chăn, ông Obama sẽ thông báo tăng quỹ cho các chương trình tháo dỡ bom mìn còn sót lại sau chiến tranh. Từ năm 1964-1973, Mỹ đã ném hơn 2 triệu tấn bom xuống Lào trong cuộc chiến tranh Việt Nam và hiện ước tính 30% số bom này chưa phát nổ và vẫn nằm đâu đó trên “đất nước triệu voi”, gây hậu quả nặng nề đến tính mạng và cuộc sống của người dân địa phương. Vì vậy, việc giải quyết hậu quả chiến tranh là một chủ đề quan trọng giữa hai nước.
Kêu gọi một sân chơi bình đẳng
Trước chặng dừng chân tại Lào, ngày 2/9, Tổng thống Obama sẽ tới Trung Quốc, nơi ông sẽ có cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở thành phố Hàng Châu. Tại hội nghị này, ông chủ Nhà Trắng sẽ nhấn mạnh cam kết của Mỹ với G20, một sân chơi bình đẳng, cơ hội kinh tế rộng rãi, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc thúc đẩy phát triển kinh tế toàn cầu mạnh mẽ, bền vững và cân bằng.
Cuộc gặp Obama - Tập Cận Bình diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang phản đối kế hoạch Mỹ bố trí Hệ thống Phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc. Bắc Kinh cho rằng THAAD thực chất nhằm vào tên lửa của Trung Quốc, trong khi Mỹ và Hàn Quốc khẳng định hệ thống này nhằm bảo vệ người dân địa phương và binh lính Mỹ trước nguy cơ tên lửa từ Triều Tiên. Giới chuyên gia lo ngại Trung Quốc có thể từ chối hợp tác toàn diện trong việc gây sức ép với Triều Tiên, nhằm phản đối kế hoạch bố trí THAAD. Bên cạnh đó, Washington và Bắc Kinh đang mâu thuẫn về vấn đề Biển Đông. Mỹ kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài tại La Hay (Hà Lan) và tôn trọng các quyền tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông. Trong khi đó, Bắc Kinh bác bỏ phán quyết trên và phản đối Mỹ thực hiện hoạt động tự do hàng hải (FONOP) trong khu vực.
Trong cuộc "Đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ - Trung Quốc lần thứ 8" tại Bắc Kinh tháng 6 vừa qua, hai bên đã thảo luận thẳng thắn về một loạt các điểm bất đồng, trong đó có Biển Đông và THAAD. Những vấn đề này dự kiến sẽ lại được đề cập trong cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới giữa hai nước. Tuy nhiên, bên cạnh những bất đồng nói trên, lãnh đạo của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ khẳng định sự hợp tác trong các vấn đề an ninh hạt nhân và biến đổi khí hậu. Nhà Trắng cho biết ông Obama sẽ muốn chuyến công du Trung Quốc cuối cùng trong nhiệm kỳ của mình kết thúc một cách tích cực.
Trong 8 năm làm chủ Nhà Trắng, ông Obama đã tìm cách cân bằng chính sách quốc phòng và kinh tế của Mỹ để chống lại ảnh hưởng ngày một gia tăng của Trung Quốc tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, hợp tác với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn là không thể thiếu trong bối cảnh toàn cầu hóa của thế kỷ XXI. Đó là hai thông điệp mà ông Obama muốn truyền tải trong chuyến công du châu Á cuối cùng trước khi rời nhiệm sở.