Chuyện cảm động bên bờ biển Azov

Cuộc trò chuyện với cộng đồng người Việt ở tỉnh Krasnodar đã thôi thúc chúng tôi thực hiện chuyến đi 180 km, từ thành phố Krasnodar tới thị trấn nhỏ Primorsko-Ahtarsk bên bờ biển Azov của miền Nam nước Nga.


Thị trấn ấm áp này là nơi đồn trú của Trung đoàn không quân 960 thuộc Sư đoàn không quân phối hợp cận vệ số 1, Tập đoàn quân số 4 Phòng không-Không quân Nga mà vào những năm 60-70 thế kỷ trước từng là nơi đào tạo hàng chục phi công Việt Nam lái Mig-17 và Mig-21.

 

Bia mộ anh Chính sau khi tôn tạo.


Trong số những người con Việt Nam ưu tú được đào tạo tại Primorsko-Ahtarsk đó có Vũ Đình Chính (Chinh - Ву Динь Чинь), anh sinh ngày 17/8/1956. Khoá huấn luyện điều khiển máy bay ở Krasnodar khi đó thật ngặt nghèo. Cứ 100 học viên, phía Nga chỉ lọc ra 20 học viên lái máy bay, số còn lại sẽ đào tạo trở thành nhân viên kỹ thuật.

 


Thế rồi ngày 29/6/1974, khi sắp tốt nghiệp, anh Chính một mình thực hiện bài tập huấn luyện bay trên một chiếc L-29. Trong quá trình bay, do trục trặc kỹ thuật, chiếc máy bay anh điều khiển sắp lao xuống đất và anh cần nhảy dù. Khi máy bay đã mất độ cao, Chính phát hiện thấy phía trước máy bay là một toà nhà dân sinh 5 tầng, chỉ vài giây nữa, máy bay sẽ lao thẳng vào tòa nhà, thảm họa với những người dân sinh sống trong tòa nhà là khó tránh khỏi.


Anh đã quyết định tiếp tục điểu khiển tránh không để máy bay đâm thẳng vào tòa nhà. Chiếc máy bay đụng vào nóc nhà và rơi ngay sau đó, người học viên trẻ mới 18 tuổi đã hy sinh song toà nhà cùng nhiều người dân sống trong tòa nhà đó đã thoát khỏi thảm hoạ.

 

Nhân chứng sống, ông Piotr Georgievich.


Nhân chứng sống, ông Piotr Georgievich, 63 tuổi cho biết, đó là vào mùa hè năm 1974, khi ông 23 tuổi, nhiều hơn Chính 5 tuổi. Chiếc máy bay sau khi gặp nạn có thể thấy rõ từ khoảng cách 100m, song người dân không thể lại gần vì khu vực bị công an phong tỏa. Sự hy sinh quả cảm của anh Chính được nhiều người Nga sống trong thị trấn và cả những học viên lái máy bay người Việt từng học ở Primorsko-Ahtarsk cảm phục và trân trọng. Người dân trong thị trấn vẫn thường mang những đóa hoa tươi đến đặt trên ngôi mộ khiêm tốn trong nghĩa trang, nơi anh được an táng.

 

Nhờ sự phối hợp của các cơ quan hữu quan, ngày 25/7/2007, Vũ Đình Chính và 4 liệt sỹ, quân nhân từ trần khác đã được hai nhà nước Nga-Việt hoàn tất thủ tục đưa hài cốt về Việt Nam. Tuy nhiên, thể theo mong muốn của những người Nga biết về câu chuyện cảm động này cũng như cộng đồng người Việt Nam sống tại Krasnodar, trên ngôi mộ cũ từng chôn cất anh Vũ Đình Chính, cộng đồng người Việt Nam ở Krasnodar đã tôn tạo và dựng một tấm bia đá tưởng niệm khắc chân dung anh để mọi người có thể tới đặt hoa hay thắp hương tưởng nhớ. Việc xây cất được tiến hành từ năm 2011, song phải tới ngày 22/12/2013 mới khánh thành sau một thời gian dài tìm kiếm để có được di ảnh anh Chính.



Người phi công trẻ tuổi đất Việt tuy đã về yên nghỉ trong lòng đất mẹ song tại  thị trấn Primorsko-Ahtarsk xa xôi, người dân Nga và cả cộng đồng người Việt ở Krasnodar vẫn luôn nhớ tới tấm lòng nhân hậu, tấm gương hy sinh dũng cảm của anh. Họ nguyện noi gương anh, sống và làm ăn tốt để thắt chặt hơn nữa mối quan hệ bền chặt với người dân bản địa.

 

Một góc thị trấn Primorsko-Ahtarsk.



Duy Trinh-Cao Cường
Một người Nga đặc biệt ở Moskva
Một người Nga đặc biệt ở Moskva

Căn hộ số 135, nhà 13, Đại lộ Lenin không có gì đặc biệt... phóng viên TTXVN thường trú ở Moskva tìm thấy ở đây điều khá thú vị, đó là một người Nga còn lưu giữ tấm ảnh chụp chung với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng với chữ ký tặng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN