Chuột dò mìn ở Tandania

Chú chuột con Babette trong bộ đai màu đỏ - đen liên tục khịt khịt mũi và rẽ đám cỏ trên cánh đồng chạy về phía trước. Theo sau là hai người huấn luyện dạy chú cách tiến và lùi theo một đường thẳng.


Đó là hình ảnh một buổi học dò mìn của các "học viên" chuột ở thành phố Morogoro, Tandania trong khuôn khổ một dự án của APOPO - một tổ chức phi chính phủ của Bỉ. Đây là dự án đầu tiên ở thành phố Morogoro.

Với đặc điểm là trọng lượng cơ thể rất "khiêm tốn", khứu giác tốt và dễ dàng tuân theo ý muốn của con người nếu được thưởng thức ăn, loài chuột châu Phi này tỏ ra rất hiệu quả trong việc dò mìn. Theo dự án của APOPO, chuột được huấn luyện để phát hiện thuốc nổ TNT chứa trong các quả mìn. Cứ mỗi khi phát hiện đúng, "học viên" chuột sẽ nghe thấy một âm thanh lách cách báo hiệu sắp được thưởng thức ăn.

Một "học viên" chuột học phát hiện thuốc nổ. Ảnh: Internet


Chuột tham gia lớp "vỡ lòng" dò mìn từ khi mới được 4 tuần tuổi. Vào khoảng thời gian này, chúng sẽ được tiếp xúc với con người và môi trường mới. Sau đó, người huấn luyện sẽ dạy chúng mối liên hệ giữa thức ăn và âm thanh lách cách.


Khi đã quen với âm thanh này, chúng được dạy cách phân biệt mùi TNT và các mùi khác. Mỗi khi phân biệt thành công, âm thanh lách cách lại vang lên và phần thưởng cho "học viên" là một miếng chuối chín ngon ngọt.

Sau 9 tháng khổ luyện, học viên chuột đã sẵn sàng cho nhiệm vụ dò mìn. Huấn luyện viên Abdullah Mchomvu kể về nghề dạy chuột: "Công việc này không hề đơn giản. Bạn cần phải rất kiên nhẫn. Đôi khi tôi phát cáu lên nhưng rồi lại tự nhủ rằng chúng chỉ là động vật".


ộng lực chính để anh kiên nhẫn với công việc của mình chính là vì công việc này có thể cứu sống nhiều mạng người ở những nơi mà chiến tranh đã đi qua nhưng bom mìn còn sót lại không ít. Để dò mìn trên một diện tích 200 m2, hai người phải mất trọn một ngày nhưng chuột chỉ mất có hai giờ đồng hồ.

Ông Bart Weetjens, người sáng lập APOPO, giải thích thêm: "Phát hiện mìn là công việc tốn kém, khó khăn và nguy hiểm nhất trong các hoạt động rà phá bom mìn. Do chuột dễ huấn luyện hơn nhiều so với chó nên loài này phù hợp hơn".


Ông Weetjens cho biết, dự án có tỷ lệ thành công rất cao. Tính đến nay, dự án này đã giúp khoảng 2 triệu m2 đất có mìn ở Môdămbích được rà phá và đưa vào tái canh tác.

Không chỉ học phát hiện thuốc nổ, chuột còn được huấn luyện phát hiện ra bệnh lao trong các mẫu nước bọt ở phòng thí nghiệm. Đây là phương pháp kiểm tra hỗ trợ cho các bệnh viện ở Tandania - nơi mà các xét nghiệm chỉ đạt độ chính xác 60%. Cái mũi thính của loài chuột có thể xác định những mẫu nước bọt chứa vi trùng lao một cách hiệu quả.

Trang web của APOPO kêu gọi nhận nuôi chuột. Ảnh: Internet


Khi huấn luyện chuột phát hiện bệnh lao, người ta để 10 mẫu nước bọt ở phần đáy một cái lồng thủy tinh dài, hình chữ nhật trong đó có "học viên" chuột. Chú chuột sau đó sẽ ngửi từng mẫu và cào cào chân lên bất kỳ mẫu nào nghi có bệnh lao. Trong khi đó, nhân viên kỹ thuật phòng thí nghiệm sẽ quan sát và ghi chép.

Một con chuột được "học hành" tử tế có thể mất chưa tới 10 phút để ngửi hết 70 mẫu nước bọt và phát hiện bệnh lao với độ chính xác cao. Những mẫu mà các bệnh viện xác định là âm tính với bệnh lao đôi khi lại là dương tính sau khi cho chuột ngửi hoặc xét nghiệm lại lần hai.


Chỉ trong tháng 9/2010, chuột đã phát hiện ra 69 mẫu dương tính mà các bệnh viện bỏ sót. Kể từ khi dự án bắt đầu cách đây 3 năm, các chú chuột đã góp phần phát hiện ra hơn 1.500 ca nhiễm lao mà ban đầu bị các phòng thí nghiệm bỏ sót.

Dù chuột có nhiều ích lợi như thế nhưng dự án của APOPO không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Lý do là vì người ta luôn coi chuột là loài có hại, lan truyền dịch bệnh và phá hoại mùa màng. Hình ảnh của chúng trong mắt con người không lấy gì đẹp đẽ.


Theo ông Weetjens, đó là khó khăn lớn nhất của dự án. Ông cho phóng viên hãng tin AFP biết: "Chúng tôi đang cố gắng thay đổi quan điểm đó. Chuột là loài dễ gần, rất thông minh và cũng đáng yêu đấy chứ". Để ghi nhận những thành tích mà chuột đã đóng góp, APOPO ưu ái gọi chúng là những “chú chuột anh hùng”. Hình ảnh trên trang web của tổ chức APOPO là các chú chuột có cái mũi hồng hồng và bộ lông mượt mà.

APOPO thậm chí còn thực hiện một chương trình Adopt-a-Rat (nhận nuôi chuột) để các cá nhân và tổ chức có thể đóng góp vào công tác nuôi giữ và huấn luyện chuột. Họ sẽ nhận được một giấy chứng nhận và thường xuyên được gửi thư điện tử cập nhật tình hình của chú chuột mình nhận nuôi.


Ông Weetjens cho biết, mục tiêu tiếp theo của dự án sẽ là dùng chuột để phát hiện ra ma tuý hoặc tìm kiếm người sống sót trong các thảm họa như động đất, sập nhà…

Thùy Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN