Theo trang Al Jazeera, Indonesia đang đặt mục tiêu tiêm chủng cho 181,5 triệu người trong tổng số 270 triệu dân trong năm 2021. Tuy nhiên, kể từ khi triển khai chương trình tiêm chủng cộng đồng bắt đầu vào ngày 13/1, chỉ có 1 triệu người được tiêm chủng đủ hai mũi và xấp xỉ 2,7 triệu người đã được tiêm mũi đầu tiên.
“Lý do chúng tôi làm điều này là nhằm đẩy nhanh tốc độ miễn dịch cộng đồng ở Indonesia”, Tiến sĩ Nadia Wikeko, người phát ngôn Bộ Y tế Indonesia, nói. Bà cho biết chương trình này đã thu hút được 7.000 công ty tư nhân vơi mục tiêu “không bỏ rơi người nghèo”. Vaccine của khu vực tư nhân được cung cấp bởi ngân hàng vaccine Gotong Royong, chịu sự quản lý của nhà sản xuất vaccine duy nhất của Indonesia, Bio Farma.
Chi phí của các loại vaccine này sẽ do các công ty tư nhân đặt hàng tự chi trả.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng với những hạn chế về nguồn cung toàn cầu, các công ty này có thể phải mua vaccine mức giá cao hơn để đảm bảo nguồn cung.
Bambang Heriyanto, người phát ngôn của Bio Farma, cho biết vẫn chưa rõ khi nào vaccine sẽ được nhập khẩu vào Indonesia nhưng các cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra với hai hãng dược phẩm Moderna và Sinopharm.
Song hầu hết các chuyên gia y tế và nhà dịch tễ học ở Indonesia đều phản đối kế hoạch tiêm chủng này.
“Nếu các công ty tư nhân muốn hỗ trợ chương trình tiêm chủng, họ nên nhập khẩu vaccine và tiêm cho nhân viên y tế, người cao tuổi, những người có nguy cơ mắc bệnh cao hơn bất kỳ ai khác. Hoặc, họ có thể phân phối vaccine cho cha mẹ của những nhân viên này, vì hầu hết người lao động trẻ ở Indonesia đều sống cùng cha mẹ của họ. Những người lao động này cũng có tỉ lệ tử vong thấp hơn nhiều”, ông Ahmad Utomo, nhà tư vấn sinh học phân tử ở Jakarta, chuyên chẩn đoán nhiễm trùng phổi, nói.
Indonesia đang phải hứng chịu sự bùng phát của đại dịch COVID-19 tồi tệ nhất Đông Nam Á. Quốc gia này đã ghi nhận gần 1,35 triệu trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 và gần 36.000 ca tử vong kể từ khi ghi nhận ca mắc đầu tiên vào năm ngoái.
Chính phủ Indonesia đã chỉ đạo nới lỏng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt, do lo ngại điều này sẽ ảnh hưởng đến người nghèo của đất nước. Indonesia cũng đẩy mạnh đầu tư vào vaccine với hy vọng chấm dứt cuộc khủng hoảng.
Giai đoạn đầu của chương trình phân phối vaccine cho 1,3 triệu nhân viên chăm sóc sức khỏe đã hoàn tất. Tuy nhiên, giai đoạn thứ 2 nhắm tới tiêm chủng cho 38,5 triệu công dân - bao gồm 17 triệu người trong lĩnh vực công và gần 22 triệu người cao tuổi - đã phải trì hoãn vì thiếu nguồn cung.
Tiến sĩ Budiman thừa nhận chương trình tiêm chủng của khu vực tư nhân có thể đóng một vai trò quan trọng trong quá trình tiêm chủng cho người dân. Tuy nhiên, đóng góp của họ nên dựa vào những chính sách định hướng khoa học.
“Mục tiêu chính của việc tiêm chủng là giảm tỉ lệ tử vong bằng cách bảo vệ những người có nguy cơ cao hơn, bao gồm nhân viên y tế, người cao tuổi và nhân viên thiết yếu. Tuy nhiên, trong kế hoạch này, khả năng đủ điều kiện để được tiêm chủng lại phụ thuộc vào việc bạn có phải là nhân viên của một công ty hay không. Đó không phải là chiến lược sức khỏe cộng đồng. Đó là một chiến lược kinh tế”, ông nói.
Tiến sĩ Budiman cũng cho rằng kế hoạch này có nguy cơ làm xói mòn sự công bằng xã hôi.
“Dù lợi ích của chương trình này nhằm tiêm chủng cho nhiều người hơn, nhưng đây là một hình thức phân biệt đối xử. Tin đồn về công dân hạng nhất và công dân hạng hai sẽ xuất hiện ngay sau khi triển khai chương trình này”, ông nói.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều lo ngại về khả năng triển khai chương trình y tế công cộng của các công ty tư nhân, chẳng hạn chương trình tiêm chủng.
“Thực tế, việc chính phủ hình thành mối quan hệ đối tác với khu vực tư nhân cho thấy mức độ thiếu trang bị nghiêm trọng trong việc tiêm chủng cho công chúng”, ông Budiman nói.
Tuy nhiên, nhà kinh tế Fithra Faisal Hastiadi tại Đại học Indonesia, người phát ngôn Bộ Thương mại, lại phủ nhận kế hoạch cho thấy chính phủ không thể đáp ứng các mục tiêu tiêm chủng của mình.
“Ý tưởng này không đến từ chính phủ. Nó được Phòng Thương mại Indonesia đề xuất. Ban đầu chính phủ khá miễn cưỡng chấp nhận kế hoạch này bởi bất cứ khi nào bạn đưa các công ty tư nhân vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, bạn sẽ gặp phải nhiều chỉ trích”, ông nói.
Ông nói rằng chương trình này sẽ được quản lý chặt chẽ để ngăn chặn sự xuất hiện của thị trường chợ đen trong việc phân phối vaccine COVID-19.
Ông Andreas Harsono của Tổ chức Giám sát Nhân quyền Indonesia ban đầu chỉ trích kế hoạch này khi nó được đưa ra vào tháng 1. Ông lo ngại người nghèo sẽ bị chà đạp trong cuộc chiến vaccine. Tuy nhiên, hiện tại văn phòng của ông đã "bật đèn xanh" cho đề xuất này.
“Họ đã thay đổi các quy định, không cho phép các công ty tư nhân mua vắc vaccine từ nguồn cung của chính phủ, nghĩa là họ nên tự nhập khẩu. Điều đó có nghĩa là các công ty tư nhân sẽ không cạnh tranh với người nghèo trong việc tiêm vaccine, ”ông nói.
Indonesia không phải là quốc gia châu Á duy nhất đạt được thỏa thuận với khu vực tư nhân để đẩy nhanh quá trình tiêm chủng.
Ấn Độ - quốc gia có chung những hạn chế về nhân khẩu học, địa hình, xã hội và tài chính tương tự như Indonesia, với chỉ 0,2% dân số được tiêm chủng đầy đủ - cũng đã ký một thỏa thuận với các bệnh viện tư nhân để hỗ trợ giai đoạn thứ hai của đợt tiêm chủng.
Tuy nhiên, với chỉ 10.000 trung tâm tiêm chủng công cộng trong cả nước và 20.000 bệnh viện tư nhân tham gia chương trình này, các trung tâm tiêm chủng tư sẽ sớm vượt xa các trung tâm công.
Trong khi vaccine sẽ được cung cấp miễn phí tại các trung tâm tiêm chủng đông đúc của chính phủ, nơi các ứng cử viên cao tuổi phải xếp hàng cả ngày để được phục vụ, các bệnh viện tư nhân sẽ tính phí 300 - 400 rupiah Indonesia, tương đương 5 USD /mũi tiêm.
Tại hòn đảo nghỉ dưỡng Phuket của Thái Lan, nơi 80% doanh nghiệp du lịch đã phải đóng cửa, một số doanh nghiệp vẫn tồn tại cũng đã mua vaccine Oxford/AstraZeneca và Sinovac, loại vaccine COVID-19 duy nhất được phê duyệt tại nước này.
Các quan chức ở Phuket cũng đang có kế hoạch mua 600.000 liều vaccine trong một thỏa thuận riêng với Bangkok, để đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng và mở cửa trở lại hòn đảo đón khách du lịch quốc tế vào đầu tháng 10.
Tại hòn đảo thiên đường Bali, Giáo sư virus học Gusti Ngurah Mahardika của Đại học Udayana đang kêu gọi các bên công - tư liên quan làm điều tương tự.
Ông cho biết 200 triệu USD sẽ mua được 6 triệu liều vaccine cần thiết để tiêm chủng cho 70% dân số và đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng. Ông tính toán con số này tương đương với 5% trong số 5,2 tỉ USD khách du lịch nước ngoài ở Bali đã đóng góp cho nền kinh tế quốc gia trong năm 2019.
“Vấn đề lớn nhất ở Indonesia hiện nay là sự sẵn có của vaccine. Do khả năng tài chính của chính phủ còn hạn chế để mua lượng vaccine cần thiết để đạt được miễn dịch cộng đồng. Vì vậy, nếu quan hệ đối tác công - tư cho phép cung cấp nhiều vaccine hơn, thì đó là một điều tốt, bất kể ai là người sử dụng chúng”, ông nói.