Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), chương trình học cải cách được Bộ Giáo dục công bố vào cuối tháng 3 sẽ được áp dụng từ tháng 9 năm nay. Ngay từ khi công bố, chương trình học cải cách đã trở thành một chủ đề nóng, thu hút nhiều ý kiến tranh luận.
Từ lâu, học sinh Trung Quốc luôn bị mang tiếng là chỉ tập trung vào các môn học thuật, thiếu tính tự lập và không có khả năng thích nghi với cuộc sống, ngay cả sau khi các em trưởng thành.
Xiong Bingqi, Giám đốc Viện Nghiên cứu Giáo dục Thế kỷ 21, cho biết ở Trung Quốc vẫn diễn ra hiện tượng phổ biến là các bậc cha mẹ coi trọng giáo dục tập trung vào kiến thức, coi nhẹ các kỹ năng sống cơ bản.
“Nhiều cha mẹ giúp con cái làm tất cả việc không liên quan đến học hành. Họ không cho phép con cái làm bất kỳ công việc nhà hoặc lao động chân tay nào. Nấu ăn là một kỹ năng cơ bản mà học sinh nên học khi lớn lên. Nâng cao tầm quan trọng của việc học nấu ăn trong chương trình giảng dạy sẽ khắc phục điểm yếu này trong giáo dục gia đình”, Giám đốc Xiong nhận xét.
Theo đề xuất của Bộ Giáo dục Trung Quốc, từ tháng 9 năm nay, học sinh khối tiểu học và trung học cơ sở trên toàn quốc sẽ tham gia các lớp kỹ năng việc nhà ít nhất một tuần một luần.
Các em sẽ được học loạt kỹ năng trong gia đình từ nấu ăn, dọn dẹp, sắp xếp nhà cửa, sửa chữa thiết bị, trồng rau và chăn nuôi các loại động vật nhỏ như cá vàng, tằm, gà và vịt.
Bộ Giáo dục cho biết các lớp học này nhằm giúp học sinh tham gia hoạt động cần nhiều đến thể chất, trau dồi kỹ năng thích ứng và kỹ năng lao động của các em.
Kỹ năng được nhiều cha mẹ quan tâm trong chương trình mới là nấu ăn. Học sinh lớp 1, lớp 2 sẽ học cách nhặt và rửa rau, cũng như gọt hoa quả. Học sinh lớp 3, lớp 4 sẽ được dạy làm salad và nấu những món luộc. Học sinh lớp 5, lớp 6 sẽ có thể làm từ hai đến ba món ăn thông thường, bao gồm trứng bác với cà chua, trứng chiên và canh xương hầm. Các em phải tự mình hoàn thành toàn bộ quá trình chuẩn bị thức ăn từ sơ chế rau củ đến nấu nướng và phục vụ. Học sinh từ lớp 7 đến lớp 9 sẽ được dạy lên kế hoạch bữa ăn hàng ngày cho gia đình.
Trước đây, học sinh Trung Quốc cũng có những lớp dạy kỹ năng, song nội dung không toàn diện như giáo trình mới. Các lớp học này có xu hướng được các giáo viên khác đảm nhận và dễ trở thành giờ học thêm các môn học thuật như tiếng Trung, Toán và tiếng Anh.
“Những lớp học về việc nhà có thể dạy cho trẻ em nhiều kỹ năng sống cơ bản. Việc triển khai một cách hiệu quả là điều rất cần thiết”, Tân Văn xã đề cập trong một bài viết đăng ngày 5/5.