Chung sống lâu dài với virus SARS-CoV-2

Khác với dự đoán của nhiều người rằng Singapore hoặc sẽ thắt chặt hoặc sẽ nới lỏng các biện pháp đối phó với dịch COVID-19 đang áp dụng, Thủ tướng Lý Hiển Long, khi công bố chiến lược chống dịch mới của Singapore, đã phát đi thông điệp rõ ràng rằng việc xác định cuộc sống trong điều kiện “bình thường mới” là như thế nào và Singapore sẽ làm gì để thích nghi và phát triển cùng với điều đó.

Chú thích ảnh
 Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Singapore ngày 21/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Cuộc sống trong điều kiện “bình thường mới” ở đây, theo ông Lý Hiển Long chính là mọi hoạt động trong sinh hoạt hằng ngày, trong công việc, trong vui chơi, giải trí… của con người sẽ luôn có bóng dáng, có sự hiện diện của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Đại dịch COVID-19 chắc chắn sẽ bị đẩy lùi (cũng như các đại dịch khác trước đây) nhưng không biến mất hoàn toàn mà sẽ tồn tại cùng với con người, chung sống với con người và cuối cùng trở thành bệnh địa phương (như dịch sởi, sốt xuất huyết, cúm mùa…). Điều đó cũng có nghĩa là người dân Singapore sẽ còn chứng kiến những đợt bùng phát với phạm vi nhỏ trong tương lai. Hầu hết người dân Singapore sẽ được tiêm vaccine ngừa COVID-19 và có thể tiêm mũi bổ sung theo thời gian (như là tiêm chủng phòng bệnh lao, bệnh sởi, uốn ván…); việc xét nghiệm COVID-19 sẽ nhanh hơn, dễ dàng hơn và thường xuyên hơn; khẩu trang sẽ là vật dụng quen thuộc hằng ngày đối với mọi người khi đi ra khỏi nhà và hình thức làm việc tại nhà ngày càng phổ biến…

Điều gì đã khiến người đứng đầu Chính phủ Singapore đưa ra thông điệp rõ ràng như vậy tới người dân nước này?

Chắc chắn không ít người vẫn còn ám ảnh về những tháng kinh hoàng trong làn sóng bùng phát dịch COVID-19 ở Singapore giữa năm 2020, khi có tới một nửa số lao động nhập cư mắc bệnh. Ổ dịch bùng phát tại các khu ký túc xá dành cho lao động nhập cư từ tháng 4/2020 đã nhanh chóng khiến số ca bệnh tại Singapore tăng gấp đôi. Các ca bệnh trong những người lao động nhập cư đã chiếm tới 93% trong tổng số 58.000 ca nhiễm được chính thức ghi nhận tại Singapore tính đến cuối năm 2020.

Tỷ lệ lây lan COVID-19 ở các ký túc xá vào thời điểm đó là 47%, trong khi tỷ lệ lây lan trong cộng đồng chỉ ở mức 0,25%. Trước tình hình đó, Singapore đã buộc phải tiến hành biện pháp phong tỏa “ngắt cầu dao” nghiêm ngặt nhất từ tháng 4-6/2020, đóng cửa gần như toàn bộ các hoạt động sản xuất kinh doanh không thiết yếu để ngăn chặn virus lây lan.

Mức độ lây lan COVID-19 trong cộng đồng hiện nay là điểm khác biệt chính lớn nhất so với một năm trước. Trong khi giữa năm 2020, virus SARS-CoV-2 là nỗi sợ hãi trong các khu ký túc xá người lao động nhập cư thì hiện nay, 44 ổ dịch trong cộng đồng (trong đó có các ổ dịch siêu lây nhiễm như tại sân bay Changi, trung tâm thương mại Jem/Westgate, bệnh viện Tan Tock Seng, trung tâm học thêm Learning Point hay cơ sở chăm sóc điều dưỡng MINDSville@Napiri...) là mối lo ngại hàng đầu. Kể từ tháng 4/2021 đến nay, đã có hơn 500 ca lây nhiễm trong cộng đồng với hơn 160 ca chưa rõ nguồn lây. COVID-19 cũng đã tấn công tới trẻ em, học sinh tại các trường mẫu giáo, tiểu học và cấp 2.

Một trong những nguyên nhân, thậm chí có thể là nguyên nhân chính, dẫn tới số ca lây nhiễm trong cộng đồng tại Singapore tăng vọt trở lại là sự xuất hiện các biến thể của virus SARS-CoV-2 được cho là có tốc độ lây lan nhanh hơn, mạnh hơn và nhằm vào nhiều đối tượng khác nhau trong xã hội. Ngoài các biến chủng nguy hiểm như B.1.1.7 hay là B.1.617.2, Thủ tướng Lý Hiển Long cũng cho rằng trong tương lai chắc chắn sẽ còn xuất hiện các biến thể mới khác. Và với viễn cảnh như vậy, sống chung với COVID-19 là điều cần phải tính đến. 

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 trên tàu điện ngầm tại Singapore. Ảnh: THX/TTXVN

Khi một quốc gia, một đất nước có đủ nguồn tài nguyên thiên nhiên, có khả năng “tự cung tự cấp” lương thực, thực phẩm, tự sản xuất các mặt hàng nhu yếu phẩm hằng ngày cho người dân thì phương án đóng cửa biên giới hoàn toàn để khoanh vùng, đẩy lùi và tiêu diệt tận gốc COVID-19 ở trong nước là có thể tính đến. Nhưng chắc chắn không thể áp dụng với Singapore. Với diện tích chỉ nhỉnh hơn 700 km2 chút ít, không tài nguyên thiên nhiên, nước ngọt sinh hoạt cũng phải mua và hầu như tất cả mọi thứ cần thiết cho cuộc sống hằng ngày đều phải nhập khẩu thì đóng cửa biên giới hoàn toàn là điều không khả thi. Có giao thương, có vận chuyển hàng hóa có nghĩa là vẫn có giao tiếp, tiếp xúc giữa người với người, và do vậy, nguy cơ lây lan COVID-19 là không tránh khỏi. Thêm nữa, các quốc gia láng giềng xung quanh Singapore là Malaysia, Indonesia, và xa hơn là Philippines, Thái Lan… đều đang phải vật lộn với các làn sóng lây nhiễm mới với sức càn quét khủng khiếp. Liệu đóng cửa biên giới hoàn toàn có phải là “bức tường không thể xuyên thủng” của Singapore trước những làn sóng tấn công đó?

Có một thực tế đáng suy nghĩ tại Singapore là việc lực lượng lao động cũng phải “nhập khẩu” từ nước ngoài. Không ít công dân Singapore vẫn có tâm lý chỉ muốn làm những công việc liên quan đến tài chính, ngân hàng, thương mại, công nghệ kỹ thuật cao hiện đại… và không mặn mà với những vị trí việc làm có tính vất vả, nặng nhọc (xây dựng, đóng tàu, người giúp việc…), buộc Chính phủ Singapore phải tìm kiếm nguồn nhân lực từ bên ngoài. Điều oái oăm là ở chỗ, hầu hết nguồn nhân lực nhập khẩu vào Singapore cho đến nay lại là từ các nước đang hứng chịu cơn bão COVID-19 siêu cấp (như lao động Ấn Độ, Bangladesh trong xây dựng, thi công công trình giao thông, hạ tầng; lao động Philippines, Myanmar chuyên giúp việc…). Không ai có thể dự đoán được bao giờ thì dịch COVID-19 được kiểm soát tại các nước này. Và do vậy, dù các biện pháp kiểm soát về y tế đối với người lao động nhập cư có chặt chẽ đến đâu, thì nguy cơ virus SARS-CoV-2 và các biến thể của nó xâm nhập vào Singapore qua con đường lao động nhập cư là rất cao và luôn hiện hữu.  

Mặc dù lâu nay, các quyết định của Chính phủ Singapore thường được hầu hết người dân tin tưởng, nhưng nếu chỉ kêu gọi bằng lời mà không có những hành động cụ thể thì thông điệp “sống chung với virus SARS-CoV-2” vẫn chỉ là thông điệp, vẫn là bằng lời nói và chắn chắn sẽ không được người dân hưởng ứng. Chính phủ Singapore không nói suông mà đã và đang tiến hành những biện pháp cần thiết hướng tới điều đó.

Điều đầu tiên mà Singapore có thể dựa vào để khiến người dân củng cố tâm lý sẵn sàng “sống chung” với virus SARS-CoV-2 chính là hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe hiệu quả của nước này. Các phương pháp điều trị tốt hơn, trang thiết bị y tế hiện đại hơn cũng đã và đang được đẩy mạnh nghiên cứu để giúp người dân không còn cảm thấy quá sợ hãi trước COVID-19. Tính đến nay, Singapore ghi nhận hơn 62.000 ca mắc COVID-19, trong đó 33 ca tử vong, trở thành một trong những nước có số ca tử vong do COVID-19 thấp nhất trên thế giới. Điều này có được nhờ hệ thống chăm sóc y tế hiện đại, hiệu quả, tiên tiến của Singapore. Rõ ràng, hệ thống chăm sóc y tế, chữa trị hiệu quả giúp người dân trút bỏ tâm lý nhiễm virus SARS-CoV-2 là đồng nghĩa với “cơ hội sống mong manh”. 

Thứ hai, triển khai nhanh chóng và đẩy mạnh chương trình tiêm vaccine cho toàn bộ cư dân sinh sống tại Singapore, tiến tới mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng. Tính đến hết tháng 5, tổng số gần 4,1 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 đã được tiêm, trong đó gần 2,3 triệu người đã tiêm mũi thứ nhất và hơn 1,75 triệu người đã tiêm đầy đủ 2 mũi (chiếm hơn 42% dân số) tại Singapore. Singapore cũng sử dụng 2 trong số các loại vaccine ngừa COVID-19 có hiệu quả cao nhất hiện này là Pfizer/BioNTech và Moderna. Những người có nguy cơ lây nhiễm cao (nhân viên y tế, tuyến đầu chống dịch) và hầu hết người dân từ 45 tuổi trở lên đều đã được tiêm ít nhất một liều vaccine. Hiện tại, nhóm người từ 40 – 44 tuổi đang được tiêm vaccine. Bắt đầu từ ngày 1/6, Singapore đã triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 tới học sinh, sinh viên. Sau đó, khoảng giữa tháng 6 này, những người 39 tuổi trở xuống sẽ bắt đầu có thể đăng ký tiêm vaccine. Với tốc độ tiêm đạt khoảng 100.000 liều/ngày, dự kiến đến hết tháng 7 tới, khoảng 70% cư dân sinh sống tại Singapore sẽ được tiêm vaccine.  

Để đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng hướng tới mục tiêu càng nhiều người được tiêm sớm càng tốt, Singapore đã điều chỉnh chiến lược tiêm vaccine ngừa COVID-19, theo đó kéo dài thời gian giữa hai mũi tiêm lên 6-8 tuần, tổ chức các đội tiêm chủng lưu động và phê chuẩn việc sử dụng vaccine Pfizer/BioNTech cho trẻ từ 12-15 tuổi.

Theo Tiến sĩ Jayant Menon, chuyên gia Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Singapore ISEAS-Yusof Ishak, hệ thống hậu cần phục vụ cho công tác tiêm phòng hiệu quả; quá trình đăng ký tiêm đơn giản, thuận tiện, nhanh chóng; việc bố trí các trung tâm tiêm chủng ở rất nhiều trung tâm sinh hoạt cộng đồng trên cả nước để người dân thuận tiện đi lại; và Chính phủ Singapore nhận được mức độ tin tưởng cao dẫn tới tỷ lệ do dự tiêm phòng là rất thấp chính là những yếu tố đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng tại Singapore. 

Rõ ràng, càng nhiều người được tiêm vaccine phòng COVID-19 thì nguy cơ mắc bệnh càng thấp và sức đề kháng tăng lên. Với các tiêu chuẩn cao về mức độ an toàn và hiệu quả của vaccine mà các cơ quan chức năng Singapore đặt ra, người dân nước này chắc sẽ chấp nhận và làm quen dần với việc tiêm phòng COVID-19 trong thời gian tới, kể cả các mũi tiêm bổ sung nhắc lại định kỳ, để phòng ngừa các biến thể mới khác.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Singapore. Ảnh: THX/ TTXVN

Trọng tâm thứ ba mà Singapore tập trung thực hiện để giúp người dân an tâm “sống chung” hơn với virus SARS-CoV-2 là công tác phát hiện, truy vết và khoanh vùng dịch. 

Trong bài phát biểu trực tiếp trên truyền hình ngày 31/5, Thủ tướng Lý Hiển Long khẳng định so với 1 năm trước đây, năng lực truy dấu vết và xét nghiệm của Singapore đã được nâng cao hơn nhiều. Nhiều hình thức xét nghiệm (xét nghiệm nhanh ART, xét nghiệm PCR, xét nghiệm qua hơi thở…) được áp dụng để nhanh chóng và dễ dàng phát hiện ca mắc COVID-19, giảm thiểu sự lây lan.

Singapore đã triển khai hình thức xét nghiệm qua hơi thở tại Causeway và sân bay Changi (cho phép phát hiện ca nghi mắc COVID-19 chỉ trong vòng 1 phút). Các bộ xét nghiệm cá nhân cũng đang được nghiên cứu phát triển để người dân có thể tự xét nghiệm COVID-19 cho bản thân mình khi cần.

Singapore cũng không ở trạng thái xét nghiệm “bị động” nữa, mà thay vào đó là tâm thế “chủ động” xét nghiệm và trên diện rộng. Ngoài việc tiến hành hình thức xét nghiệm thường xuyên (RRT) đối với những nhóm người có nguy cơ cao (các khu ký túc xá công nhân, các khu công trường xây dựng, các xưởng đóng tàu, các cảng biển, sân bay, các bệnh viện và các khu điều dưỡng), với việc có thêm nhiều hình thức xét nghiệm chi phí rẻ hơn, nhanh hơn, Singapore sẽ chủ động xét nghiệm thường xuyên tại các trung tâm thương mại, văn phòng làm việc, các nhà hàng…. Bên cạnh đó, những cá nhân mà công việc có liên quan đến tiếp xúc nhiều người (như là lái xe taxi, lái xe buýt, những người làm vật lý trị liệu, nghề massage, huấn luyện viên thể dục thể thao…) cũng sẽ được xét nghiệm thường xuyên.  

Đối với việc xuất hiện các biến thể virus có tốc độ lây lan cao thì hoạt động truy vết nguồn lây phải được thúc đẩy nhanh hơn, trên diện rộng hơn để khoanh vùng lây nhiễm kịp thời. Những kinh nghiệm truy vết được cải thiện sau hơn 1 năm, cùng với tiến bộ kỹ thuật, công nghệ trong các ứng dụng truy vết như TraceTogether, SafeEntry và mở rộng diện cách ly tới những người tiếp xúc gần với ca mắc COVID-19… sẽ hỗ trợ Singapore nhiều hơn trong việc nhanh chóng, kịp thời truy dấu hiệu quả và đầy đủ nguồn lây, từ đó khoanh vùng lây nhiễm đúng và trúng. 

Đặt ra viễn cảnh “chung sống với COVID-19” không ai mong muốn chưa hẳn lúc nào cũng thể hiện tâm lý bi quan, tiêu cực mà ngược lại, ở đây là thể hiện việc chuẩn bị tốt nhất, kỹ lưỡng nhất các biện pháp đối phó với dịch COVID-19 của Chính phủ Singapore. Singapore đã vượt qua được những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong quá khứ (khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, đại dịch SARS năm 2003, khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007-2008…), giờ đây, với cuộc khủng hoảng COVID-19,  thời gian sẽ trả lời “đảo quốc sư tử” có đang “đi đúng hướng” như lời Thủ tướng Lý Hiển Long khẳng định hay không.

Thế Vũ (TTXVN)
Tâm lý sợ tiêm vaccine ở vùng nông thôn cản trở cuộc chiến COVID-19 của Ấn Độ
Tâm lý sợ tiêm vaccine ở vùng nông thôn cản trở cuộc chiến COVID-19 của Ấn Độ

Nhiều người dân sinh sống ở các vùng nông thôn của Ấn Độ đang có tâm lý sợ xét nghiệm và tiêm vaccine COVID-19. Điều này khiến cuộc chiến chống dịch COVID-19 tại quốc gia Nam Á này càng trở nên khó khăn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN