Các chỉ số chứng khoán tiêu chuẩn tại Mỹ và giá trái phiếu đều tăng khi chỉ số tăng trưởng lương quý IV/2022 được công bố là 1%, thấp nhất trong cả năm 2022. Đây là chỉ dấu quan trọng mà FED thường sử dụng để đánh giá tác động của chính sách mà ngân hàng này ban hành với thị trường lao động Mỹ. Trong khi đó Chỉ số MSCI Toàn cầu - thường được dùng như phép đo đáng tin cậy về cách thức hoạt động của các thị trường chứng khoán phát triển trên thế giới - cũng tăng 0,2%, kết thúc tháng 1 bằng mức tăng trung bình 7%, chủ yếu nhờ các nhà đầu tư ngày càng lạc quan về triển vọng lạm phát và lãi suất toàn cầu.
Khoảng 19h GMT (2h sáng 2/2, giờ Việt Nam), FED sẽ công bố quyết định lãi suất. Các thị trường dựa trên lãi suất đều tin rằng FED sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất, với quyết định tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản lên mức từ 4,5% - 4,75%. Các nhà đầu tư sẽ dựa vào những phát biểu của Chủ tịch FED Jerome Powell sau cuộc họp để đánh giá khả năng và cách thức FED sẽ dừng chương trình tăng lãi suất và sớm nhất là trong nửa cuối năm 2023 sẽ bắt đầu giảm lãi suất.
Theo Brian Daingerfield, trưởng bộ phận chiến lược tiền tệ G10 của NatWest Markets, thị trường đang dự đoán rằng ông Powell sẽ đánh tín hiệu về việc giảm nhẹ chính sách thắt chặt tiền tệ nhưng rất khó để đoán định tín hiệu ở mức nào thì đủ để thị trường không bị đảo lộn.
Trong khi đó, nhà phân tích chiến lược Padraig Garvey từ ING cho rằng các nhà đầu tư cần đưa ra phán đoán về chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương dựa nhiều hơn vào các dữ liệu kinh tế. Trước đây, các ngân hàng trung ương từng dự báo sai về tình trạng lạm phát, cho rằng sẽ không kéo dài, nên hiện nay khi áp lực giá chỉ vừa mới giảm, các ngân hàng sẽ chưa thể tự tin tuyên bố đã kiểm soát hoàn toàn lạm phát.
Tại châu Âu, chỉ số chứng khoán STOXX 600 tăng 0,3%, chủ yếu nhờ các chứng khoán công nghiệp và công nghệ tăng. Các dữ liệu kinh tế cho thấy lạm phát nói chung tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 1/2023 đã giảm nhẹ xuống 8,5% so với mức 9% của tháng 12/2022 nhưng lạm phát lõi thì tăng từ 6,9% lên 7% trong giai đoạn nêu trên. Điều này sẽ khiến Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) chưa thể giảm nhẹ tốc độ tăng lãi suất. Chuyên gia Mateusz Urban từ Oxford Economics cho rằng lạm phát nói chung giảm chưa thể tạo đủ động lực để ECB điều chỉnh chính sách thắt chặt tiền tệ hiện nay.