Với chủ đề “Bao trùm và Bền vững”, hội nghị không chỉ một lần nữa khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đầy biến động, mà còn định hình một lộ trình phát triển hướng tới một cộng đồng lấy con người làm trung tâm, kiên cường, sáng tạo và năng động trong 2 thập niên tới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các nước ASEAN, Timor-Leste tham dự Phiên toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 46. Ảnh: Dương GiangTTXVN
Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 được coi là kim chỉ nam chiến lược cho tiến trình phát triển của hiệp hội giai đoạn 2025 - 2045. Đây không đơn thuần là một văn kiện mang tính biểu tượng, mà còn là sự cụ thể hóa những cam kết chính trị cao nhất của các quốc gia thành viên. Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhấn mạnh: “Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 là chiến lược phát triển dài hạn, định hướng cho giai đoạn 20 năm tiếp theo 2025 - 2045. Tầm nhìn này không chỉ mang ý nghĩa biểu tượng mà còn thể hiện cam kết chính trị cao nhất của các quốc gia thành viên trong việc xây dựng một Cộng đồng ASEAN vững mạnh, tự cường, sáng tạo và lấy người dân làm trung tâm”.
Bộ khung chiến lược của Tầm nhìn được xây dựng trên 4 trụ cột vững chắc: Chính trị - An ninh, Kinh tế, Xã hội - Văn hóa và Kết nối. Đây không chỉ là những trụ cột củng cố cấu trúc nội khối mà còn giúp ASEAN tiến xa hơn trong việc định vị mình là trung tâm tăng trưởng của khu vực.
Với kết quả trên, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 46 không chỉ là một sự kiện ngoại giao mà còn là cột mốc đánh dấu sự trưởng thành của ASEAN trong hành trình hướng tới một cộng đồng khu vực mạnh mẽ và thịnh vượng. Như Tổng Thư ký Kao Kim Hourn khẳng định: “Việc xây dựng một văn kiện với tầm nhìn kéo dài 20 năm cùng với các kế hoạch chiến lược là bước đi quan trọng, thể hiện rõ lộ trình mà ASEAN đang hướng tới cũng như cách thức để hiện thực hóa mục tiêu đó”.
Chuyên gia Collins Chong Yew Keat, Đại học Malaya (Malaysia), đánh giá hội nghị đã đạt được kết quả rất đáng khích lệ với sự phản hồi tích cực của tất cả các thành viên ASEAN, đặc biệt là trong việc thống nhất tầm nhìn của khối trong 20 năm tới. Ông nhấn mạnh: “Trong 20 năm tới, chúng ta sẽ thấy rất nhiều tình huống và thay đổi nhanh chóng diễn ra trên các lĩnh vực khác nhau, bao gồm kinh tế, thương mại, việc làm, chính trị, quốc phòng và an ninh. Hội nghị này có tầm quan trọng rất lớn. Đó là tạo ra sự đoàn kết hơn nữa ở Đông Nam Á để giải quyết tất cả những thách thức này".
ASEAN đã và đang khẳng định vị thế là một điểm sáng kinh tế toàn cầu với những con số biết nói. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 3.800 tỷ USD năm 2023 – tăng 51% so với năm 2015, cùng tốc độ tăng trưởng GDP năm ngoái đạt 4,8% và dự kiến đạt 4,7% năm nay. Những thành tựu này đang đưa ASEAN tiến gần hơn tới mục tiêu trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2030. Tuy nhiên, các lãnh đạo cũng thẳng thắn thừa nhận chưa phát huy hết tiềm năng hợp tác nội khối, đặc biệt trong việc giảm phụ thuộc vào bên ngoài và thúc đẩy liên kết kinh tế số. Đây chính là những thách thức mà ASEAN cần vượt qua để hiện thực hóa những tham vọng lớn đã đề ra.
Với vai trò Chủ tịch ASEAN 2025, Malaysia đã đạt được thành công lớn trong việc thúc đẩy một khu vực gắn kết và hội nhập hơn, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế. Sáng kiến tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN – Tổ chức Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) lần thứ hai và Hội nghị ASEAN - GCC và Trung Quốc lần thứ nhất đã mở ra những hướng đi mới, đưa ASEAN tiến gần hơn đến hình ảnh một khối trung lập, đoàn kết và chủ động trong thế giới đa cực.
Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì lập trường trung lập: "Hiện tại, thế giới đang dõi theo ASEAN và cách khu vực này ứng phó với những biến động trong môi trường kinh tế toàn cầu. Đó là lý do vì sao việc duy trì lập trường trung lập luôn có ý nghĩa then chốt. ASEAN không đứng về phía nào trong các cuộc cạnh tranh chiến lược. ASEAN làm việc với tất cả các quốc gia và đối tác, vì họ đều là đối tác quan trọng". Hội nghị lần này đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc mở rộng quan hệ đối tác chiến lược của ASEAN, đặc biệt với GCC và Trung Quốc – đối tác thương mại lớn nhất của khối.
Bên cạnh việc duy trì hợp tác trong các lĩnh vực truyền thống, ASEAN và các đối tác cũng cam kết đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực mới nổi như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 46. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Trong bức tranh chung đầy triển vọng của ASEAN, Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò là một thành viên tích cực, chủ động và có trách nhiệm. Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã bày tỏ tin tưởng rằng: Chung niềm tin, cùng tầm nhìn, ASEAN sẽ vượt qua mọi biến động và bước tiếp vững vàng. Việt Nam cam kết đồng hành cùng ASEAN xây dựng một cộng đồng “đoàn kết hơn, tự cường hơn, chủ động hơn, bao trùm hơn và bền vững hơn” cho hôm nay và cả mai sau.
Giáo sư Hal Hill của Trường Chính sách công Crawford, thuộc Đại học Quốc gia Australia, nhận định Việt Nam có một vị trí rất quan trọng trong ASEAN. Việt Nam là nền kinh tế năng động nhất ở Đông Nam Á trong thế kỷ này, đặc biệt là trong 25 năm qua. Ông cũng lưu ý rằng Đông Nam Á đang có những mạng lưới sản xuất toàn cầu lớn, và Việt Nam là quốc gia thành công nhất trong các mạng lưới sản xuất toàn cầu này, trong ngành điện tử, ô tô và các ngành công nghiệp khác.
Với tinh thần “Bao trùm và Bền vững”, ASEAN đang mở ra một chương mới nhiều kỳ vọng. Mỗi quốc gia thành viên không chỉ chia sẻ thành quả phát triển chung, mà còn cùng chung tay xây dựng một tương lai bền vững cho gần 700 triệu người dân khu vực. Dù chặng đường phía trước còn nhiều thách thức, nhưng sự đoàn kết, quyết tâm và tầm nhìn chiến lược sẽ là chìa khóa giúp ASEAN hiện thực hóa mục tiêu trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2030.