Theo KCNA, trong cuộc gặp, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã nhờ Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu chuyển lời cảm ơn đến Tổng thống Putin vì “bức thư nồng ấm và tốt đẹp”.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga đã có chuyến thăm bất ngờ tới Triều Tiên để tham dự lễ kỷ niệm 70 năm kết thúc Chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953. Theo cơ quan này, ông Kim và ông Shoigu đã thảo luận về sự phát triển hơn nữa của mối quan hệ chiến lược và truyền thống giữa Cộng hoà Dân chủ nhân dân Triều Tiên và Nga.
Trong chuyến thăm lần này, ông Shoigu cũng đến tham quan cuộc triển lãm quân sự do Bộ Quốc phòng Triều Tiên tổ chức. Tại đây, ông được chứng kiến các loại vũ khí và thiết bị mới do ngành công nghiệp vũ khí của nước này sản xuất.
Trong cuộc gặp với người đồng cấp Triều Tiên Kang Sun-nam, Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu ca ngợi truyền thống hợp tác chặt chẽ giữa Moskva và Bình Nhưỡng. Đồng thời, ông nói thêm rằng các hoạt động trao đổi quân sự thường xuyên đã giúp duy trì hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên.
Nga và Triều Tiên có mối quan hệ chặt chẽ từ thời Liên Xô. Năm ngoái, Bộ Ngoại giao Bình Nhưỡng tuyên bố mối quan hệ song phương đã đạt đến “tầm cao chiến lược mới”.
Triều Tiên đã từ chối tham gia chiến dịch trừng phạt do Mỹ dẫn đầu nhắm vào Moskva nhằm đáp trả chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Tuy nhiên, Triều Tiên cũng bác bỏ cáo buộc của Mỹ cho rằng nước này đã cung cấp vũ khí cho quân đội Nga, coi đó là tin đồn “vô căn cứ” nhằm “làm hoen ố hình ảnh của Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên”.
Chuyến thăm hiếm hoi của ông Shoigu tới Triều Tiên diễn ra cùng thời điểm phái đoàn Trung Quốc, do nhà ngoại giao cấp cao Li Hongzhong dẫn đầu, tới Bình Nhưỡng để tiếp xúc cấp cao.
Chuyến thăm Triều Tiên của Bộ trưởng Quốc phòng Nga diễn ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên. Lực lượng quân sự của Mỹ và Hàn Quốc gần đây đã tăng cường các cuộc tập trận chung. Bình Nhưỡng coi đây là hành động khiêu khích đe dọa chủ quyền của nước này.
Hôm 24/7, tàu ngầm tấn công nhanh chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Annapolis lớp Los Angeles của Mỹ đã đến Hàn Quốc, chỉ vài ngày sau khi tàu ngầm USS Kentucky, tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo lớp Ohio của Washington, rời cảng Busan.
Bình Nhưỡng đã chỉ trích hoạt động triển khai tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ, nhấn mạnh rằng họ có thể coi đó là cơ sở để sử dụng vũ khí hạt nhân tự vệ.
Ngay sau đó, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) thông báo Triều Tiên phóng 2 tên lửa từ khu vực gần thủ đô Bình Nhưỡng vào đêm 24/7 và rạng sáng 25/7. JCS cho biết hai tên lửa bay khoảng 400 km trước khi rơi xuống vùng biển phía đông bán đảo Triều Tiên.
Bà Karine Jean-Pierre, Thư ký báo chí Nhà Trắng, cho biết Mỹ chắc chắn lên án các vụ phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.