TOLO News dẫn nguồn tin từ văn phòng của ông Abdullah cho biết tại cuộc gặp, ông đã nhấn mạnh rằng lịch sử cho thấy nếu không có công bằng xã hội thì không thể có an ninh và tăng cường đoàn kết dân tộc. Đại diện Taliban, ông Khalil Al-Rahman Haqqani, cam kết phong trào Hồi giáo này sẽ đảm bảo “an ninh cho người dân Kabul”, đồng thời đề nghị sự hỗ trợ từ các nhà lãnh đạo chính trị ở Afghanistan.
Liên quan đến công tác sơ tán công dân nước ngoài và dân thường Afghanistan, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 19/8 cho biết Moskva sẵn sàng cung cấp các dịch vụ hàng không để di tán người dân khỏi quốc gia Tây Nam Á này đến nước khác. Bà nhấn mạnh nhằm ngăn chặn tình hình nhân đạo xuống cấp tại Afghanistan, phía Nga sẵn sàng cung cấp các dịch vụ hàng không dân dụng nhằm đảm bảo đưa bất kỳ số lượng công dân Afghanistan, gồm cả trẻ em và phụ nữ, đến bất kỳ quốc gia nào sẵn sàng tiếp nhận họ.
Cũng trong ngày 19/8, Chính phủ Hy Lạp cho biết nước này muốn tránh tái diễn cuộc khủng hoảng đợt di cư ồ ạt mà Athens từng trải qua vào năm 2015 và lực lượng biên phòng của Hy Lạp đang đặt trong tình trạng báo động để ngăn chặn điều này.
Phát biểu tại cuộc họp báo, người phát ngôn Chính phủ Hy Lạp Yannis Economou nêu rõ tất cả các lực lượng đang trong tình trạng báo động ở biên giới, Hy Lạp sẽ không cho phép tái diễn thảm cảnh của năm 2015".
Hy Lạp nằm ở tuyến đầu của cuộc khủng hoảng di cư vào châu Âu năm 2015, khi gần 1 triệu người chạy trốn khỏi cuộc xung đột ở Syria, Iraq và Afghanistan đổ bộ lên các hòn đảo của nước này.
Trong khi đó, trên thực địa, hãng tin Sputnik của Nga dẫn một nguồn tin cho hay lực lượng Taliban đã áp đặt lệnh giới nghiêm tại thành phố Khost, Đông Nam nước này nhằm ngăn chặn nguy cơ xảy ra bạo loạn và mất an ninh.
Khost là một trong số ít thành phố của Afghanistan nơi mà người dân thể hiện sự phản đối lực lượng Taliban một cách công khai.