Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), bà Christine Lagarde đưa ra tuyên bố trên khi phát biểu với báo Le Monde của Pháp.
Theo bà Lagarde, mục tiêu đặt ra là chương trình kích thích kinh tế trên sẽ được triển khai vào đầu năm 2021, và mốc thời gian này cần phải được giữ nguyên. Bà cho rằng EU cần phải đạt tiến bộ nhanh chóng về mặt chính trị, đặc biệt là việc quốc hội các nước thành viên EU thông qua thành lập quỹ này.
Bà Lagarde cho biết thêm chương trình này cần phải nhắm đúng mục tiêu, nếu không sẽ không thể hỗ trợ thực sự quá trình chuyển đổi kinh tế thời hậu COVID-19. Chủ tịch ECB cũng cho rằng các nhà lãnh đạo châu Âu nên cân nhắc việc thành lập quỹ theo hướng lâu dài.
Các nhà lãnh đạo châu Âu đang bất đồng về các chi tiết của cơ chế trợ cấp và cho vay trong nhiều năm có tên là "Thế hệ tiếp theo của EU" (Next Generation EU), làm tăng nguy cơ các quốc gia đang chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch không thể tiếp cận quỹ này đúng thời hạn.
Hiện có hai vấn đề trong đàm phán cần được thống nhất, trong đó có việc các nghị sĩ đang kêu gọi bổ sung 39 tỷ euro ngân sách cho các chương trình của EU như y tế, di cư và nghiên cứu. Trong khi đó, việc phân bổ gói cứu trợ kinh tế gắn với việc nước thành viên nhận viện trợ phải tuân thủ nguyên tắc pháp quyền vẫn chưa có câu trả lời.
Thời gian cho các cuộc đàm phán không còn nhiều, bởi sau thỏa thuận, quốc hội các nước thành viên phải bỏ phiếu tán thành với việc Ủy ban châu Âu huy động số tiền 750 tỷ euro cho gói kích thích kinh tế này thông qua thị trường tài chính. Số tiền này sẽ được chia cho các quốc gia thành viên EU và các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nhất từ đại dịch COVID-19 dưới hai dạng trợ cấp và cho vay. Nếu các cuộc bỏ phiếu bị trì hoãn, quỹ tái thiết có thể sẽ không sẵn sàng cho việc triển khai vào tháng 1/2021 như kế hoạch.