Chủ tịch EC thừa nhận sự chậm trễ trong cấp phép, tiêm chủng vaccine

Ngày 10/2, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen thừa nhận sự thất bại trong quy trình phê chuẩn và triển khai chương trình tiêm chủng vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của Liên minh châu Âu (EU), đồng thời cho biết khối này đã rút ra bài học sau sự việc này.

Chú thích ảnh
Dây chuyền sản xuất vaccine ngừa COVID-19 tại Saint-Amand-les-Eaux, Pháp ngày 3/12/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu tại Nghị viện châu Âu, Chủ tịch von der Leyen cho biết 26 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 đã được bàn giao và vào cuối mùa Hè tới, 70% người trưởng thành tại 27 nước thành viên EU đều sẽ được chủng ngừa. Tuy nhiên, bà thừa nhận sự chậm trễ trong việc cấp phép sử dụng vaccine cũng như tâm lý quá lạc quan của giới chức EU về công tác điều chế và tiến độ bàn giao vaccine. Chính những sai lầm này cũng đang dẫn đến quyết định kiểm soát xuất khẩu vaccine tại các nhà máy sản xuất đặt tại các nước thành viên EU. Biện pháp này bao gồm việc đình chỉ một phần các điều khoản trong thỏa thuận thương mại sau khi Anh rời khỏi EU mà theo đó cho phép hàng hóa lưu thông qua biên giới Ireland sang Vương quốc Anh - một quyết định đã làm chấn động cả vùng lãnh thổ Bắc Ireland, London và Dublin.

Tuy nhiên, Chủ tịch EC vẫn bảo vệ cơ chế giám sát vaccine, cho rằng sẽ không công bằng đối với thị trường chung châu Âu nếu chỉ có một số ít các nước thành viên lớn đảm bảo lượng vaccine cần thiết. EU cũng sẽ không "đốt cháy giai đoạn" trong việc phê duyệt các chất sinh học được tiêm vào cơ thể con người, ngay cả khi đã chậm chân so với các đối thủ tới 3 đến 4 tuần. Bà von der Leyen cũng cho biết EU sẽ triển khai một mạng lưới thử nghiệm lâm sàng mới để cung cấp dữ liệu cho các cơ quan quản lý nhanh hơn và EC sẽ thành lập lực lượng đặc nhiệm nhằm thúc đẩy việc sản xuất vaccine.

Chú thích ảnh
Vaccine ngừa COVID-19 của Oxford/AstraZeneca. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Trước đó, ngày 29/1, EC đã công bố biện pháp nhằm tiến tới giám sát và trong một số trường hợp có thể cấm xuất khẩu vaccine ngừa COVID-19 tại các nhà máy sản xuất đặt tại các nước thành viên EU, trong bối cảnh căng thẳng giữa khối này và hãng dược phẩm AstraZeneca gia tăng liên quan đến vấn đề giao nhận vaccine. Biện pháp của EU chỉ có hiệu lực với các nhà máy sản xuất vaccine ngừa COVID-19 nằm trong các hợp đồng mua bán vaccine đã ký giữa các hãng dược phẩm và EC.

Theo đó, các nhà máy thuộc diện này hoạt động trên lãnh thổ các nước thành viên EU sẽ phải xin cấp phép xuất khẩu vaccine cho các nước ngoài khối, đồng thời trình kế hoạch xuất khẩu trước 3 tháng. Sau làn sóng phản đối kịch liệt ở London, Belfast và Dublin, EU đã tuyên bố ngay trước nửa đêm 29/1 rằng khối sẽ đảm bảo Nghị định thư Bắc Ireland, được thiết kế để đảm bảo cho biên giới tại Ireland mở, sẽ không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, EU cũng cảnh báo rằng nếu vaccine ngừa COVID-19 và các hoạt chất khác bị xuất sang các nước thứ ba và ra khỏi khối này, EU sẽ sử dụng "tất cả các biện pháp có thể để ngăn chặn". 

* Cùng ngày, hãng thông tấn Interfax của Nga đưa tin Nga đã tiêm vaccine Sputnik V phòng COVID-19 cho 2,2 triệu người dân, trong đó hơn 1,7 triệu đã được tiêm 2 mũi. Vaccine Sputnik V đã được giới khoa học công nhận có hiệu quả phòng ngừa COVID-19 lên tới gần 92% sau khi các kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối trên quy mô lớn được công bố trên tạp chí y khoa quốc tế uy tín The Lancet.

Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin TASS trong tuần qua, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Pankin cho biết Nga đang đàm phán với khoảng 50 nước về việc cung cấp vaccine Sputnik V.

Phương Oanh (TTXVN)
Campuchia triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 do Trung Quốc viện trợ
Campuchia triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 do Trung Quốc viện trợ

Ngày 10/2, Campuchia bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa dịch COVID-19, sử dụng 600.000 liều vaccine do Trung Quốc viện trợ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN