Chủ tịch EC chủ trương tăng mạnh lực lượng bảo vệ biên giới châu Âu

Trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) chịu nhiều sức ép chính trị nhằm ngăn chặn triệt để hơn nữa dòng người di cư từ châu Phi đổ sang, Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất tăng cường nhân sự cho Lực lượng Tuần tra bờ biển và biên giới nhằm bảo vệ tốt hơn các đường biên giới bên ngoài EU.

Chú thích ảnh
Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker. Ảnh: AFP/ TTXVN

Trong bản thông điệp liên minh thường niên tại Nghị viện châu Âu (EP) ngày 12/9, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đề xuất tăng cường lực lượng tuần tra biên giới của EU với việc bổ sung 10.000 người trong hai năm tới, coi đây như nỗ lực của liên minh nhằm hạn chế dòng người nhập cư các nước có xung đột vũ trang và nghèo đói ở châu Phi. Theo ông Juncker, nếu đạt được mục tiêu này, đây sẽ là một sự gia tăng đáng kể lực lượng tuần tra biên giới châu Âu hiện nay mới chỉ gồm 1.300 người.

Ngoài kế hoạch này, EC cũng đề xuất chi 2,2 tỷ euro cho ngân sách EU trong 7 năm tới, phục vụ các chương trình thay mới và bảo trì các máy bay, tàu thuyền và xe đặc chủng phục vụ công tác tuần tra tại các điểm nóng "đầu vào" từ châu Phi và Trung Đông. Vấn đề kiểm soát dòng người di cư đang nóng lại châu Âu sau khi các nước đã giảm mạnh số người nhập cư kể từ năm 2015, thời điểm châu Âu phải đối mặt với cuộc khủng hoảng người di cư lớn nhất trong vòng 80 năm qua. 

Liên quan đến Brexit, Chủ tịch Jean-Claude Juncker cảnh báo Anh không thể hy vọng mình vẫn là một phần của thị trường chung này.

Trong bài phát biểu cuối cùng tại EP trước khi diễn ra cuộc bầu cử EP dự kiến vào tháng 5/2019, Chủ tịch Juncker cho biết ông tôn trọng quyết định của Anh ra khỏi EU, song cảnh báo: “Chúng tôi cũng đề nghị Chính phủ Anh hiểu rằng ai đó rời khỏi khối thì không thể có được vị thế đặc quyền tương tự như một nước thành viên. Nếu bạn rời khỏi khối thì chắc chắn bạn không thuộc thị trường chung của chúng tôi, và chắc chắn không thể là một phần nhỏ của thị trường này”.

Cũng trong bài phát biểu, Chủ tịch Juncker nhấn mạnh, EC sẽ có quan điểm cứng rắn với các nước thành viên EU không tôn trọng luật lệ, trong bối cảnh Ba Lan và Hungary không tuân thủ các nguyên tắc dân chủ của liên minh này. Ông khẳng định Điều 7 cần phải được áp dụng bất kể khi nào những qui định luật pháp bị đe dọa. 

EC đã khởi động một thủ tục về qui định luật pháp, gọi là Điều 7, nhằm vào Ba Lan, xuất phát từ mối lo ngại liên quan tới sự độc lập của bộ máy tư pháp nước này. Nếu áp dụng, điều này rốt cuộc có thể đình chỉ quyền bỏ phiếu của Vacsava tại EU. Theo kế hoạch, EP sẽ bỏ phiếu trong ngày hôm nay về khả năng khởi động một thủ tục tương tự đối với Hungary.

TTXVN/Báo Tin tức
Chủ tịch EC đề xuất một 'liên minh mới' giữa châu Âu và châu Phi
Chủ tịch EC đề xuất một 'liên minh mới' giữa châu Âu và châu Phi

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đã đề xuất xây dựng một “liên minh mới”, một “đối tác mới” giữa Liên minh châu Âu (EU) và châu Phi, nhằm tạo ra hàng triệu việc làm trong những năm tới và thúc đẩy thỏa thuận tự do thương mại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN