Chủ động hạn chế dùng smartphone để bảo vệ sức khỏe tinh thần trẻ em

Ngày càng nhiều trẻ em và thanh thiếu niên đã bắt đầu tự chủ động quản lý thời gian sử dụng điện thoại thông minh và mạng xã hội, nhằm bảo vệ sức khỏe tinh thần, sự tập trung cũng như an toàn cá nhân.

Chú thích ảnh
Một quán cafe internet ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Đây là kết quả khảo sát mới nhất của công ty nghiên cứu GWI, dựa trên dữ liệu từ hơn 20.000 thanh thiếu niên và phụ huynh tại 18 quốc gia, được tờ The Guardian công bố ngày 10/7.

Theo đó, tỷ lệ trẻ em từ 12 đến 15 tuổi tạm ngừng sử dụng smartphone, máy tính bảng hay các thiết bị kết nối mạng đã tăng từ 18% lên 40% chỉ trong vòng 3 năm qua. Các chuyên gia đánh giá đây là tín hiệu cho thấy thế hệ trẻ đang dần hình thành thói quen tự kiểm soát thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào các quy định từ phụ huynh.

Giáo sư Sonia Livingstone, Giám đốc Trung tâm Tương lai kỹ thuật số dành cho trẻ em tại Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London (LSE), cho biết kết quả này hoàn toàn phù hợp với nhiều nghiên cứu gần đây mà nhóm của bà đang thực hiện. “Trẻ em đã nhận được thông điệp từ cha mẹ, truyền thông và chính trải nghiệm của các em rằng sử dụng quá nhiều mạng xã hội không phải lúc nào cũng có lợi cho sức khỏe tinh thần”, bà Livingstone chia sẻ.

Cũng theo bà, nhiều trẻ đã chủ động thử các cách thức khác nhau để giảm thiểu tác động tiêu cực như tạm dừng hoặc xóa ứng dụng mạng xã hội, hạn chế tiếp cận nội dung tiêu cực, tìm kiếm các trải nghiệm trực tuyến lành mạnh hơn. Một bộ phận nhỏ thậm chí đã chọn cách ngừng hoàn toàn việc dùng mạng xã hội trong một thời gian để tập trung cho các hoạt động ngoài trời hay tương tác thực tế.

Daisy Greenwell, đồng sáng lập tổ chức Smartphone Free Childhood, nhận định ngày càng nhiều thanh thiếu niên đặt câu hỏi về việc lớn lên trong môi trường “kết nối mạng”. “Chúng tôi thường xuyên nghe các em chia sẻ cảm giác kiệt sức vì áp lực phải hiện diện và phản hồi 24/7. Việc tự tạm dừng mạng xã hội giờ không chỉ để nghỉ ngơi mà còn là một hành động phản kháng, khẳng định quyền tự bảo vệ sức khỏe tâm thần”, bà Greenwell nói.

Điều này cũng phản ánh qua số liệu của Ofcom. Báo cáo năm 2024 cho thấy 1/3 trẻ em từ 8 đến 17 tuổi nhận thấy bản thân dành quá nhiều thời gian trước màn hình. Trong khi đó, 47% người trẻ từ 16 đến 24 tuổi đã chủ động tắt thông báo và bật chế độ “Không làm phiền” trên các ứng dụng mạng xã hội - tỷ lệ này tăng đáng kể so với mức 40% của năm trước.

Một cuộc thăm dò khác còn ghi nhận gần một nửa số người trẻ muốn được sống trong một thế giới không có Internet, hay ủng hộ các quy định quản lý thời gian sử dụng thiết bị di động. Nhiều người trong nhóm tuổi 18 - 25 cũng cho biết họ sẽ hạn chế cho con cái tiếp cận smartphone đến khi các em đủ trưởng thành, thay vì để trẻ dùng điện thoại quá sớm như thế hệ của mình từng trải qua.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý việc tự điều chỉnh thói quen dùng thiết bị số không thể thay thế hoàn toàn vai trò của gia đình. Giáo sư David Ellis (Đại học Bath) cho rằng những công cụ hỗ trợ như giới hạn thời gian hay cảnh báo sử dụng trên các nền tảng mạng xã hội chỉ mang tính bổ trợ, nhưng hiệu quả duy trì lâu dài không phải lúc nào cũng chắc chắn. “Điều quan trọng là cha mẹ, nhà trường và cộng đồng cần đồng hành cùng trẻ, khuyến khích các em sử dụng công nghệ một cách thông minh, đồng thời cân bằng với vận động thể chất và tương tác xã hội ngoài đời thực”, ông Ellis nhấn mạnh.

Ngoài ra, kết quả nghiên cứu từ GWI cũng chỉ ra, nghiện mạng xã hội đang nằm trong nhóm ba nỗi lo hàng đầu của các bậc cha mẹ, bên cạnh biến đổi khí hậu và an ninh kinh tế. Đáng chú ý, có đến 8% phụ huynh cho biết họ đã trở nên nghiêm khắc hơn về giới hạn thời gian sử dụng thiết bị sau khi xem các bộ phim tài liệu phản ánh mặt tối của việc lạm dụng Internet.

Giới chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh các thiết bị thông minh ngày càng phổ biến, việc trẻ em tự chủ động điều chỉnh thói quen sử dụng là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, cần tiếp tục khuyến khích các sáng kiến giáo dục kỹ năng số, kỹ năng quản trị cảm xúc để các em có thể bảo vệ sức khỏe tinh thần của mình một cách bền vững.

Hoàng Anh/Báo Tin tức và Dân tộc
TikTok bị điều tra vì cáo buộc gây ảnh hưởng sức khỏe tinh thần trẻ em
TikTok bị điều tra vì cáo buộc gây ảnh hưởng sức khỏe tinh thần trẻ em

Tổng trưởng lí các bang ở Mỹ đồng loạt thông báo một cuộc điều tra toàn quốc lên TikTok và những tác hại tiềm ẩn của nền tảng xã hội này đối với sức khỏe trẻ em.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN