Chó dẫn đường cho người khiếm thị tại Trung Quốc hiếm hơn cả gấu trúc

Yang Kang mất thị lực do mắc bệnh ung thư mắt hiếm gặp năm 11 tuổi. Tuy nhiên, anh vẫn tự coi mình là một người may mắn trong số hàng triệu người khiếm thị tại Trung Quốc vì có chó dẫn đường.

Chú thích ảnh
Yang Kang cùng vợ và những chú chó dẫn đường trên tàu cao tốc. Ảnh: CNN

Theo đài CNN (Mỹ), Yang phải phân bổ thời gian cho cuộc sống cùng vợ ở Bắc Kinh với công việc tại quê nhà ở Đường Sơn, một thành phố công nghiệp cách đó khoảng 160km. Hành trình hàng tuần của anh là đi trên một chuyến tàu cao tốc, sau đó bắt hai chuyến xe buýt và ba chuyến tàu điện ngầm qua các ga đông đúc. Đối với hầu hết người khiếm thị Trung Quốc, việc đi lại như vậy là điều không thể. Nhưng Yang may mắn có một người bạn đồng hành. Đó là Dick, một chú chó giống Labrador 4 tuổi.

Những chú chó dẫn đường như Dick rất hiếm thấy ở Trung Quốc. Anh Yang đã phải đợi 5 năm mới có người bạn đặc biệt này. Theo đài truyền hình CCTV, tính đến tháng 4, Trung Quốc chỉ có khoảng 200 con chó dẫn đường, hiếm hơn cả loài gấu trúc.

Hiệp hội Người mù Trung Quốc ước tính số người khiếm thị của nước này là hơn 17 triệu người. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, có đến 8 triệu người Trung Quốc bị mù hoàn toàn, tương đương với tổng dân số Thụy Sĩ. Cứ 85.000 người Trung Quốc khiếm thị, thì chỉ có một chú chó dẫn đường.

Trong khi đó, khoảng 1/50 người khiếm thị ở Mỹ đều được chó dẫn đường trợ giúp. Tại Anh, cũng có hơn 1.000 chú chó dẫn đường được huấn luyện mỗi năm để hỗ trợ cho tổng số 36.000 người khiếm thị hoàn toàn hoặc khiếm thị một phần. 

Nguy hiểm trên đường phố

Chú thích ảnh
Yang Kang và vợ qua đường cùng chó dẫn đường ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: CNN

Việc xác định hướng đi trên các con phố của Trung Quốc cũng được coi là một nhiệm vụ khó khăn đối với người khiếm thị. Một cuộc khảo sát năm 2016 cho thấy 30% người khiếm thị của nước này hiếm khi rời khỏi nhà. Chỉ 1/4 số người khiếm thị thường xuyên tự đi ra ngoài, phần còn lại chủ yếu được gia đình và bạn bè dẫn đường.

Trước khi có Dick đồng hành, anh Yang cũng phải dựa vào một chiếc gậy để đi lại. Anh cho biết rất khó khăn và nguy hiểm mỗi khi băng qua các con đường cao tốc nhiều làn và tự mình điều hướng qua những chiếc cầu vượt và đường hầm dành cho người đi bộ tại thủ đô của Trung Quốc. 

"Tôi rất sợ. Điều kinh hãi nhất là tôi không thể biết con đường phía trước sẽ như thế nào”, anh nói. 

Mặc dù đã có nhiều tiến bộ trong những năm gần đây, nhưng các thành phố của Trung Quốc vẫn được coi là không thân thiện với người khuyết tật. Ngay cả ở thủ đô Bắc Kinh, nhiều khu vực vẫn không có lối đi riêng hay tín hiệu đèn giao thông âm thanh dành riêng cho người khiếm thị. 

Hầu hết vỉa hè của các thành phố ở Trung Quốc đều được lát đá xúc giác để dẫn đường cho người khiếm thị. Nhưng chúng được cho thường không thân thiện với người khuyết tật hoặc hết sức nguy hiểm khi sử dụng. Một số làn đường được xây dựng quá ngoằn ngoèo, trong khi một số lối đi khác dẫn thẳng vào cây cối, cột đèn hoặc họng cứu hỏa. Thậm chí, nhiều khu còn bị ô tô, xe đạp, người bán hàng rong trái phép lấn chiếm.

“Những ‘con đường mù mịt’ này về cơ bản là không thể đi được. Thiết kế của chúng không thuận tiện cho người khiếm thị”, anh Yang nói. 

Chú thích ảnh
Vỉa hè lát đá xúc giác dẫn đường cho người khiếm thị ở Trung Quốc được thiết kế không thân thiện hoặc nguy hiểm khi sử dụng. Ảnh: CNN

Bên cạnh đó, ở Trung Quốc, nhiều nắp cống trên đường phố cũng thường bị lấy cắp để bán sắt vụn. Từ năm 2017 đến năm 2019, đã có hơn 70 trường hợp bị thương hoặc tử vong do ngã vào cống mất nắp. Các vụ việc phổ biến đến mức vào tháng 4, Tòa án Tối cao Trung Quốc đã tuyên bố sẽ xử phạt nghiêm khắc những kẻ gian tháo hoặc làm hỏng nắp cống. Mức án cao nhất là tử hình, nếu gây ra thương tích nghiêm trọng hoặc tử vong.

Nguồn ngân sách hạn chế

Trong những năm qua, một số trung tâm huấn luyện chó dẫn đường nhỏ hơn đã được thành lập ở Trung Quốc. Tuy nhiên, Đại Liên vẫn là trung tâm lớn nhất cả nước và là một trong hai trung tâm duy nhất được Liên đoàn Chó dẫn đường Quốc tế (IGDF) công nhận. Để được IGDF công nhận, trung tâm cần phải vượt qua quy trình đánh giá nghiêm ngặt, điều này có thể gây khó khăn cho những trung tâm không có đủ kinh phí. 

Thiếu kinh phí là trở ngại lớn đối với các trung tâm huấn luyện chó dẫn đường của Trung Quốc. Là một tổ chức phi lợi nhuận, trung tâm Đại Liên cung cấp miễn phí chó dẫn đường cho người đăng ký, nhưng chi phí huấn luyện mỗi con chó là hơn 30.000 USD. Hiện tại, trung tâm phải đối mặt với thâm hụt ngân sách nghiêm trọng, dù trước đó đã nhận được sự hỗ trợ của một số tổ chức.

“Nếu chúng tôi có đủ kinh phí, chúng tôi sẽ có thể huấn luyện thêm nhiều chó dẫn đường hơn. Nhưng thực tế, chúng tôi chỉ có thể hoạt động dựa trên số tiền chúng tôi có", cô Liang, người huấn luyện chó tại trung tâm Đại Liên, nói.

Chú thích ảnh
Một huấn luyện viên tại Trung tâm Huấn luyện Chó dẫn đường Đại Liên Trung Quốc huấn luyện chó Labrador sang đường. Ảnh: CNN

Hiện trung tâm có khoảng 30 giáo viên huấn luyện chó dẫn đường. Nhiều người trong số họ là những sinh viên trẻ mới tốt nghiệp đại học, đam mê nuôi chó và giúp đỡ người khác. Những người này chấp nhận mức lương hàng tháng thấp hơn 60% so với mức thu nhập trung bình của thành phố.

Cộng đồng chưa chấp nhận

Anh Yang và nhiều người khiếm thị khác cho biết trong những năm trở lại đây, chó dẫn đường đã được nhiều người dân Trung Quốc chấp nhận hơn. Ở các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến, chó dẫn đường được phép đi trên tàu điện ngầm, xe buýt, tàu hỏa.

Nhưng một số nơi khác vẫn không chấp nhận điều đó. Vào tháng 4, một nhân viên giao thông ở Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây, đã giả vờ bị mù và cố tình lên xe buýt cùng con chó dẫn đường. Cuối cùng, anh ta đã bị tài xế đuổi xuống xe và bị một số hành khách mắng mỏ vì đã lãng phí thời gian của họ.

Đoạn video ghi lại câu chuyện sau đó lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc với mong muốn kêu gọi cộng đồng nâng cao nhận thức về những khó khăn mà những người khiếm thị đang phải đối mặt.

Chú thích ảnh
Có hơn 20 chú chó dẫn đường tốt nghiệp tại Trung tâm Huấn luyện Chó dẫn đường Đại Liên mỗi năm. Ảnh: CNN

Mặc dù chó dẫn đường đã giúp anh Yang và những người khiếm thị khác có thể đi lại tự do hơn, nhưng cũng còn nhiều trở ngại. Nhiều khách sạn vẫn không cho phép mang vật nuôi vào phòng. Ngay cả khi chó dẫn đường có giấy phép lao động hợp lệ và giấy chứng nhận đã tiêm vaccine phù hợp, nhiều hãng hàng không vẫn yêu cầu giấy chứng nhận sức khỏe riêng, loại giấy tờ cần thiết cho việc vận chuyển vật nuôi và động vật trang trại, rất khó có được.

Bên cạnh đó, một số thành phố đã ban hành các chính sách riêng cho phép chó dẫn đường đến những nơi công cộng và đi trên phương tiện giao thông, nhưng việc thực thi chưa thể được chấp thuận ngay lập tức.

Yang cho biết anh đã bị tài xế xe buýt, khách sạn và nhà hàng từ chối khi mang theo chó dẫn đường, nhưng anh không nản lòng. Thay vào đó, anh coi mọi lời từ chối đó là một cơ hội để giúp mọi người có cái nhìn chân thực hơn về chó dẫn đường.

“Chỉ có khoảng 200 con chó dẫn đường ở đất nước 1,4 tỷ dân này. Do đó, cơ hội gặp được một con vật này là rất thấp. Đó là lý do tại sao chúng tôi cần những người tiên phong giới thiệu họ với xã hội", anh nói.

Hải Vân/Báo Tin tức
Tranh cãi quanh luật cấm dắt chó ra đường ở Trung Quốc
Tranh cãi quanh luật cấm dắt chó ra đường ở Trung Quốc

Tại huyện Uy Tín ở Tây Nam Trung Quốc, ai dắt chó ra đường có thể phải nộp phạt, thậm chí là khiến con vật chịu “án tử hình”. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN