Chính sách kinh tế của hai ứng viên Tổng thống Pháp đều thiếu thuyết phục

Cuộc thăm dò mới đây của Viện BVA tại Pháp cho thấy một bộ phận đông người Pháp không đồng ý với các đề xuất kinh tế của các ứng cử viên tổng thống vòng 2. Tuy nhiên, chương trình của ông Emmanuel Macron nhìn chung vấp phải ít phản đối hơn chương trình của bà Marine Le Pen.


Ứng cử viên Tổng thống Pháp Marine Le Pen trong buổi tranh luận trực tiếp trên truyền hình ngày 3/5. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, tạp chí La Tribune cho rằng cả 2 ứng cử viên Emmanuel Macron và Marine Le Pen đều không thành công trong việc thu hút sự ủng hộ lớn từ cử tri Pháp đối với các chủ đề kinh tế trong chương trình tranh cử của mình. Cụ thể, 57% người Pháp tin rằng chương trình kinh tế của ứng cử viên phong trào "Tiến bước" không giúp cải thiện tình hình kinh tế của nước Pháp. 

Trong khi đó, chương trình tranh cử của ứng cử viên cực hữu đảng "Mặt trận quốc gia" (FN) gặp kết quả còn tồi tệ hơn - 66% người Pháp không có niềm tin vào các đề xuất kinh tế của bà Le Pen. Nhìn tổng thể, chương trình của ông Macron được đánh giá là tốt hơn so với bà Le Pen: 57% người Pháp cho rằng ông Macron đã đưa ra các đề xuất tốt về kinh tế trong khi con số này dành cho bà Le Pen chỉ là 33%. 10% số người được hỏi không đưa ra bình luận.

Kết quả thăm dò cũng cho thấy có một sự thay đổi trong quan điểm của người Pháp. Có 41% người được hỏi đánh giá chương trình của ông Macron sẽ tạo điều kiện giúp cải thiện tình hình kinh tế Pháp, thấp hơn so với con số 54% trong cuộc khảo sát hồi tháng 3. Ngược lại, niềm tin giới cử tri Pháp dành cho chương trình tranh cử của bà Le Pen lại được cải thiện tăng thêm 8 điểm phần trăm so với kết quả thăm dò hồi tháng 2.

Cử tri Pháp cũng tỏ thái độ rõ ràng và mạnh mẽ hơn liên quan một số điểm lớn về chương trình kinh tế của hai ứng cử viên. Có tới 48% cử tri Pháp phản đối các cải cách của ông Macron liên quan đến quyền lao động, trong khi tỷ lệ ủng hộ là 38%. Ứng cử viên Le Pen vấp phải sự phản đối mạnh hơn, nhất là liên quan đến đề xuất “áp dụng song song đồng tiền quốc gia Pháp và một đồng tiền chung châu Âu”; đề xuất này của bà Le Pen bị 74% cử tri phản đối trong khi chỉ nhận được 25% ủng hộ.

Cuộc khảo sát của BVA cũng cho thấy nhìn chung, chương trình tranh cử về kinh tế của ông Macron ít gây chia rẽ trong cử tri Pháp hơn là bà Le Pen. Các đề xuất kinh tế của ông Macron được cử tri của cả cánh tả và cánh hữu đánh giá tốt với tỷ lệ ủng hộ trung bình là 68%. Còn chương trình kinh tế của bà Le Pen chủ yếu được số cử tri cực hữu và một số ít thuộc cánh hữu ủng hộ. Chỉ 9% cử tri "cánh hữu tích cực" cho rằng chương trình của Le Pen sẽ cải thiện tình hình kinh tế Pháp. Con số này ở nhóm cử tri cánh hữu là 29% trong khi ở nhóm cử tri cực hữu lên tới 94%.

TTXVN/Tin Tức
Bầu cử Pháp: Gay cấn tới phút chót
Bầu cử Pháp: Gay cấn tới phút chót

Căng thẳng, bất ngờ và khắc nghiệt là đặc điểm nổi bật bao trùm toàn bộ những gì diễn ra trong vòng hai cuộc bầu cử tổng thống Pháp giữa ứng cử viên độc lập Emmanuel Macron và đối thủ cực hữu Marine Le Pen.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN