Chính quyền mới của Mỹ thay đổi nhiều chính sách hợp tác với nước ngoài

Ngày 27/1, bà Linda Thomas Greenfield, người được Tổng thống Mỹ Joe Biden đề cử làm Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc (LHQ), cho biết Mỹ sẽ phối hợp với Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng như với Trung Quốc và Nga nhằm phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Chú thích ảnh
Bà Linda Thomas-Greenfield. Ảnh: Reuters

Trong phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại thượng viện Mỹ, bà Linda Thomas-Greenfield nhấn mạnh rằng tái hợp tác với Hàn Quốc và Nhật Bản, cũng như với Trung Quốc và Nga, đặc biệt là trong việc thúc đẩy phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, sẽ thực sự quan trọng...

"Địa điểm cho các cuộc thảo luận đó sẽ ở New York tại trụ sở LHQ, ngoài ra còn có các cuộc gặp ở cấp cao hơn giữa các tổng thống hoặc ngoại trưởng", bà Linda Thomas-Greenfield cho hay.

Về mối quan hệ với Trung Quốc, ngày 27/1, tân Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Washington nhìn nhận mối quan hệ của nước này với Trung Quốc là "quan trọng nhất" trên thế giới, đồng thời lưu ý các mối quan hệ chứa đựng cả khía cạnh đối đầu và cạnh tranh.

Bên cạnh đó, ông Antony Blinken cũng nhấn mạnh rằng nước này quan tâm tới việc hợp tác với Trung Quốc về các vấn đề như biến đổi khí hậu, mặc dù điều này chỉ là một phần của những mối quan ngại lớn hơn mà Washington dành cho Bắc Kinh.

Cũng trong ngày 27/1, trong một cuộc điện đàm với người đồng cấp Ấn Độ Rajnath Singh, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã nhấn mạnh cam kết của chính quyền Tổng thống Joe Biden về quan hệ đối tác quân sự của Mỹ với Ấn Độ.

Trong một tuyên bố, Bộ Quốc phòng Mỹ nêu rõ: "Trong cuộc điện đàm, Bộ trưởng Austin đã nhấn mạnh cam kết của Lầu Năm Góc đối với quan hệ đối tác quốc phòng Mỹ-Ấn Độ, và nhận thấy rằng mối quan hệ này được xây dựng dựa trên những giá trị và lợi ích chung trong việc đảm bảo rằng khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ tiếp tục tự do và rộng mở".

Theo tuyên bố trên, Bộ trưởng Austin cũng ghi nhận những bước tiến lớn trong quan hệ quốc phòng Mỹ-Ấn Độ, và cam kết sẽ hợp tác với Bộ trưởng Rajnath Singh để duy trì những tiến triển này.

Trong khi đó, liên quan tới thỏa thuận của Mỹ bán vũ khí cho một số đồng minh trong khu vực Trung Đông, giới chức Mỹ ngày 27/1 cho biết chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã tạm thời đóng băng một thỏa thuận bán máy bay chiến đấu F-35 cho Các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE) và vũ khí cho Saudi Arabia để xem xét kỹ lưỡng hơn.

Một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết động thái này của Chính quyền Tổng thống Biden nhằm đảm bảo rằng các "thương vụ bán vũ khí của Mỹ sẽ phù hợp với các mục tiêu chiến lược của chúng tôi là xây dựng các đối tác an ninh có khả năng tương tác, có năng lực và mạnh mẽ hơn".

Phạm Ngọc Ánh - Huy Tiến - Phạm Phong (TTXVN)
Trung Quốc bác bỏ ‘cạnh tranh chiến lược’, kêu gọi Mỹ hợp tác
Trung Quốc bác bỏ ‘cạnh tranh chiến lược’, kêu gọi Mỹ hợp tác

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 26/1 đã phản hồi về tuyên bố của Nhà Trắng cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden đang tìm cách tiếp cận mới với quốc gia châu Á này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN