Theo Bloomberg, sau phần lớn các cuộc bầu cử tổng thống, lễ nhậm chức là cơ hội làm ăn lớn với các doanh nghiệp ở Washington DC. Chưa nói tới bản thân sự kiện lớn, chỉ riêng các bữa tiệc, các cuộc diễu hành đã khiến các khách sạn, nhà hàng ở trung tâm kín chỗ. Lợi nhuận kinh tế còn lan sang cả các khu vực khác ở khắp thành phố.
Tuy nhiên, lễ nhậm chức năm nay của ông Joe Biden hoàn toàn khác biệt khi mà hiện diện quân sự ở thủ đô khiến thành phố không khác gì đang trong nội chiến. Các biện pháp an ninh được thắt chặt sau vụ bạo loạn tại Quốc hội Mỹ ngày 6/1 và được duy trì qua lễ nhậm chức đã khiến các doanh nghiệp ở khu vực trung tâm lao đao. Các doanh nghiệp này phải chịu tác động khi gần như bị phong tỏa hoàn toàn.
Khi Mỹ có kế hoạch để khoảng 5.000 Vệ binh Quốc gia ở lại thủ đô cho tới giữa tháng 3, thì công việc kinh doanh ở thủ đô thậm chí còn lâu mới trở lại mức ngang bằng với thời kỳ thấp điểm bình thường trong đại dịch.
Theo tính toán của các doanh nghiệp trung tâm Washington DC, họ ước tính thiệt hại kinh tế lên tới 9 con số. Washington DC mất khoảng 100 triệu USD do lễ nhậm chức không được tổ chức giống như mọi lần.
Tác động kinh tế của một lễ nhậm chức tổng thống bình thường được chia thành hai loại. Thứ nhất, doanh thu dịch vụ lưu trú từ du khách đến từ bên ngoài khu vực: khách sạn và nhà hàng gần như hoạt động hết công suất trong tuần diễn ra lễ nhậm chức. Trong tuần nhậm chức, tỷ lệ sử dụng phòng khách sạn tăng vọt từ mức bình thường 55% lên 89%. Chi phí thuê phòng cũng tăng trung bình 170 USD, lên 600-700 USD. Doanh nghiệp ở thủ đô ước tính doanh thu ngành lưu trú trong lễ nhậm chức bình thường là khoảng 107 triệu USD.
Thứ hai, chi phí cho bản thân lễ nhậm chức: an ninh, xây dựng, ăn uống và giải trí. Bà Jeannette Chapman, Giám đốc Viện Stephen S. Fuller tại Đại học George Mason, cho biết chi phí này khó tính hơn nhiều. Chính quyền liên bang thường chi khoảng 150-200 triệu USD cho các hoạt động nhậm chức, trong đó ít nhất một nửa dành cho an ninh. Chính quyền địa phương cũng phải thanh toán một phần hóa đơn đó và Thị trưởng Washington DC, bà Muriel Bower, đã phàn nàn rằng thành phố chưa được bồi hoàn chi phí cho lễ nhậm chức của ông Donald Trump. Không phải mọi khoản chi thuộc nhóm này đều rơi vào túi doanh nghiệp địa phương.
Bà Chapman nói: “Tôi đoán rằng chúng tôi mất thêm 20-50 triệu USD nữa từ dịch vụ tiệc tùng, ăn uống, xây dựng”.
Khi đại dịch COVID-19 còn đang hoành hành, lễ nhậm chức của ông Biden không thể được tổ chức quy mô lớn như những người tiền nhiệm. Lễ nhậm chức của ông Barack Obama thu hút tới 1,8 triệu người tham gia năm 2009 và lễ nhậm chức của ông Trump có từ 300.000 đến 600.000 người tham gia năm 2017.
Khi ngày nhậm chức đến gần, vấn đề an ninh càng đáng lo ngại. Một tuần trước đó, theo lời kêu gọi của lãnh đạo thủ đô và các nhà hoạt động, Airbnb đã hủy mọi lịch đặt phòng trước ở khu vực thủ đô.
Do đại dịch, khó có thể đo đếm được thiệt hại kinh tế do các biện pháp an ninh được áp đặt ở Washington DC vì chưa từng có lễ nhậm chức nào như năm nay.
Các cửa hàng và khu vực ăn uống ở trung tâm đóng cửa hoàn toàn khi lễ nhậm chức diễn ra đề phòng bạo lực. Vào một ngày lễ cuối tuần bình thường, các nhà hàng này có thể thu được 8 triệu USD thay vì con số 0 như vừa qua. Các khách sạn giờ đang là nơi ở của các đơn vị Vệ binh Quốc gia thay vì du khách đi dự lễ nhậm chức. Có thể tỷ lệ sử dụng phòng ngang bằng mức bình thường nhưng có lẽ phải giảm giá phòng cho chính phủ.
Giai đoạn làm ăn dịp tổng thống nhậm chức chỉ diễn ra 4 năm một lần và kéo dài 5 trong tổng số 365 ngày. Do đã bị khủng hoảng nặng nề vì COVID-19, thì chỉ giai đoạn cú hích này cũng không thể giúp nhiều người duy trì việc làm trong thời gian dài. Đó chỉ là thêm một dịp làm ăn mà các doanh nghiệp đã bỏ lỡ trong thời gian đại dịch. Tuy nhiên, con số đó lại rất quan trọng vì phần lớn sẽ là lợi nhuận thuần.