Bộ quy định này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/10, theo đó tập trung vào việc cả nước này sẽ quan tâm thỏa đáng đến bảo vệ tài nguyên cũng như khai thác và sử dụng đất hiếm, tuân thủ các nguyên tắc về lập quy hoạch tổng thể, đảm bảo an ninh, thúc đẩy đổi mới công nghệ và phát triển xanh.
Theo bộ quy định này, Trung Quốc sẽ thúc đẩy việc phát triển mạnh ngành khai thác đất hiếm, đồng thời khuyến khích nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới và trang thiết bị mới.
Bộ quy định nêu rõ hình phạt đối với các hoạt động bất hợp pháp trong các lĩnh vực bao gồm khai thác, nấu chảy và chiết xuất đất hiếm, phân phối sản phẩm cũng như xuất nhập khẩu bất hợp pháp kim loại này.
Đất hiếm bao gồm 17 nguyên tố được sử dụng để chế tạo nam châm biến năng lượng thành chuyển động để sử dụng trong vô số thiết bị điện và điện tử, từ chip điện thoại, xe điện, tuốc bin gió cho đến thiết bị quân sự. Trái ngược với tên gọi, nhóm nguyên tố kim loại thiết yếu cho các công nghệ tiên tiến này tương đối phong phú. Tuy nhiên, chính đặc tính điện từ đặc biệt của chúng đã khiến chúng được săn lùng và trở thành "kim loại chiến lược".
Trung Quốc hiện kiểm soát khoảng 90% sản lượng đất hiếm tinh chế của toàn cầu. Trong những năm gần đây, các nước châu Âu và Mỹ cũng đang cố gắng giảm bớt sự phụ thuộc vào đất hiếm của Trung Quốc. Tuy nhiên, các nước này vẫn chưa làm chủ được quy trình tinh chế những loại khoáng sản chiến lược do sự phức tạp về kỹ thuật.