Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, sáng 7/2, các điểm bán khẩu trang và nước sát khuẩn đã được đặt gần Tòa nhà Chính phủ, cung cấp 10.000 khẩu trang cho người và toàn bộ lượng hàng được bán hết trong vòng 30 phút. Ban tổ chức cũng bán thêm 10.000 khẩu trang nữa vào buổi chiều cùng ngày. Mỗi khách hàng chỉ được mua một gói gồm 10 khẩu trang với giá 25 baht (0,8 USD).
Dự kiến, từ ngày 8/2, Bộ Thương mại Thái Lan sẽ đưa ra thị trường 10 triệu khẩu trang với giá từ 2,5-5 baht/chiếc và sẽ tiếp tục bán 2 triệu khẩu trang trong tuần thứ hai của tháng 2. Ngoài việc bán trực tiếp, khẩu trang cũng sẽ được phân phối tới các cửa hàng thuộc hệ thống bán lẻ bình ổn giá Thong Fah (Cờ xanh) của chính phủ.
Nhà chức trách Thái Lan đã yêu cầu các nhà sản xuất khẩu trang phải cung cấp sản phẩm cho chính phủ thông qua một trung tâm do Cục Nội thương thành lập để các cơ quan nhà nước có thể phân phối cho những người có nhu cầu khẩn cấp. Động thái trên được đưa ra sau khi Nội các Thái Lan thông qua đề xuất đưa khẩu trang và dung dịch rửa tay có cồn vào danh sách kiểm soát giá.
Khi được đưa vào danh sách này, các nhà sản xuất, phân phối, xuất khẩu và nhập khẩu phải thông báo với Cục Nội thương về giá thành sản xuất, giá bán, năng lực sản xuất, khối lượng xuất khẩu và nhập khẩu, hàng tồn kho và nhãn giá.
Những doanh nghiệp muốn xuất khẩu hơn 500 sản phẩm phải được phép của cục. Những biện pháp tương tự cũng được áp dụng đối với dung dịch rửa tay, nhưng không hạn chế đối với khối lượng xuất khẩu vì loại sản phẩm này vẫn còn đủ đáp ứng nhu cầu trong nước. Những biện pháp nói trên chỉ là tạm thời và sẽ có hiệu lực cho đến khi hết dịch.
Theo Luật Giá hàng hóa và dịch vụ năm 1999 của Thái Lan, khi một mặt hàng được đưa vào danh sách kiểm soát giá, những ai bị phát hiện tích trữ hoặc tăng giá có thể sẽ bị phạt tù không quá 7 năm hoặc bị phạt tới 140.000 baht (khoảng 4.500 USD), hoặc cả hai. Những ai không tuân thủ sẽ phải đối mặt với hình phạt 5 năm tù hoặc bị phạt không quá 100.000 baht, hoặc cả hai.
Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul đã kiến nghị trục xuất du khách đến từ các nước phương Tây không đeo khẩu trang với lý do hành động này có thể gây nguy hiểm cho người khác trong bối cảnh dịch bệnh do virus n-CoV vẫn đang lây lan nhanh chóng.
Dịch bệnh đang ảnh hưởng không nhỏ tới ngành du lịch Thái Lan khi du khách đến từ Trung Quốc mang lại nguồn thu lớn. Du lịch chiếm 18% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Thái Lan và khách du lịch Trung Quốc chiếm 25% tổng lượng du khách đến nước này. Theo thống kê, năm ngoái đã có hơn 10 triệu lượt du khách Trung Quốc tới Thái Lan.
Thái Lan hiện ghi nhận 25 trường hợp nhiễm 2019-nCoV và 9 người trong số đó đã bình phục. Hiện người dân Thái Lan đều ý thức đeo khẩu trang khi đi ra đường, tham gia giao thông công cộng hay đến các trung tâm thương mại.
Trong khi đó, tại Campuchia, ông Jia Jianhua, 60 tuổi người Trung Quốc, bệnh nhân đầu tiên và duy nhất nhiễm 2019-nCoV được phát hiện ở nước này, đang dần bình phục. Mẫu xét nghiệm mới nhất cho thấy bệnh nhân đã âm tính với 2019-nCoV và có thể được xuất viện ngay đầu tuần tới.
Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, ông Jia bị ốm sốt khi từ thành phố Vũ Hán - vùng tâm dịch tại Trung Quốc - quay trở lại Campuchia sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán. Các thành viên trong gia đình ông Jia cũng như những người từng tiếp xúc với ông đã được giám sát nhưng kết quả xét nghiệm virus 2019-nCoV của họ đều âm tính.