Chính phủ mới của Thủ tướng Abdalla Hamdok, một nhà kinh tế kỳ cựu, bao gồm 18 bộ trưởng, trong đó có 4 phụ nữ, đã tuyên thệ nhậm chức ở Dinh Tổng thống ở thủ đô Khartoum. Chính phủ mới có trách nhiệm điều hành đất nước Sudan trong thời gian chuyển tiếp là 39 tháng.
Buổi tuyên thệ có sự tham gia của các thành viên Hội đồng cầm quyền, đứng đầu là Tướng Abdel Fattah al-Burhane.
Đây là một bước tiến lớn trong quá trình chuyển đổi sang chế độ dân sự sau 3 thập kỷ cai trị độc đoán của chính quyền al-Bashir.
Phát biểu với các phóng viên, Bộ trưởng Thông tin Mohamed Saleh nói: "Chúng tôi phải nỗ lực rất nhiều để đáp ứng yêu cầu của người dân. Thế giới đang theo dõi chúng tôi, chờ xem chúng tôi giải quyết vấn đề của Sudan như thế nào".
Tháng 8 vừa qua, Sudan đã thành lập một Hội đồng cầm quyền chung, một cơ quan với đa số là dân sự, để giám sát quá trình chuyển đổi.
Chính phủ mới của Thủ tướng Hamdok, trong đó có nữ bộ trưởng ngoại giao đầu tiên của Sudan, đang đối mặt với nhiều thách thức như khôi phục kinh tế và chấm dứt xung đột giữa các nhóm quyền lực và phiến quân ở các khu vực Darfur, Somalia, Darfur, Nile xanh và Nam Kordofan. Thỏa thuận được ký kết vào ngày 17/8 giữa quân đội và phong trào phản kháng bao gồm sự cần thiết phải ký các thỏa thuận hòa bình với các nhóm vũ trang này.
Các vấn đề kinh tế là nguyên nhân chính của các cuộc biểu tình nổ ra từ tháng 12/2018 sau khi chính quyền quyết định tăng giá bánh mì lên gấp 3 lần. Phong trào biểu tình đã nhanh chóng biến thành một phong trào phản kháng chống chính quyền cựu Tổng thống Bashir, người nắm quyền lực ở Sudan từ năm 1989. Theo Ủy ban Trung ương Bác sĩ Sudan, trên 250 người biểu tình đã thiệt mạng trong các cuộc đàn áp.