Động thái trên diễn ra chỉ một ngày sau khi người dân Pakistan và các hiệp hội thương mại đoàn kết biểu tình trên khắp các thành phố khác nhau ở Pakistan sau khi Cơ quan quản lý điện lực quốc gia (NEPRA) tăng thuế 4,96 Rs/đơn vị vào tháng trước.
Biện pháp này là nhằm đáp ứng yêu cầu do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra như một điều kiện để phê duyệt gói cứu trợ trị giá 3 tỷ USD cho quốc gia Nam Á.
Trên mạng xã hội X (tiền thân là Twitter), Thủ tướng tạm quyền Kakar thông báo “tôi đã triệu tập một cuộc họp khẩn tại Phủ thủ tướng vào ngày mai (27/8) về vấn đề hóa đơn điện tăng vọt. Trong cuộc họp, Bộ Điện lực và các công ty phân phối sẽ báo cáo nhanh về tình hình và các cuộc tham vấn sẽ được tổ chức để mang lại sự hỗ trợ tối đa cho người tiêu dùng về hóa đơn tiền điện của họ”.
Trước đó, ngày 25/8 đã đánh dấu sự khởi đầu của các cuộc biểu tình do cộng đồng doanh nghiệp khởi xướng nhằm phản đối việc tăng giá điện, với kế hoạch mở rộng dần dần phong trào ra khắp cả nước.
Nhiều cơ quan đại diện cho thương nhân địa phương ở Karachi, Islamabad và Peshawar đã đưa ra cảnh báo về “hậu quả” tiềm ẩn nếu chính phủ không hành động để giải quyết vấn đề giá điện ngày càng tăng.
Trong 30 ngày qua, Pakistan cũng đã tăng giá nhiên liệu hai lần, làm tăng chi phí sinh hoạt trong bối cảnh áp lực lạm phát vẫn ở mức cao.
Lạm phát ở Pakistan đạt mức cao kỷ lục là 38% trong tháng 5 trước khi giảm xuống 28,3% trong tháng 7, mặc dù vẫn ở mức cao đáng kể.