Chính phủ Lào cấm sử dụng vaccine cho mục đích thương mại

Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, Chính phủ Lào cấm mọi tổ chức tư nhân mua vaccine ngừa COVID-19 để phục vụ mục đích thương mại, nhưng cho phép mua vaccine để sử dụng cho cán bộ và nhân viên của những tổ chức trên.

Chú thích ảnh
Bác sỹ Bệnh viện Setthathirath, thủ đô Vientiane tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân Lào. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Giải thích về lệnh cấm này, Cục trưởng Cục Vệ sinh và Nâng cao sức khỏe, Bộ Y tế Lào, Tiến sĩ Phonepaseuth Ounaphome cho biết Chính phủ cấm các tổ chức tư nhân mua vaccine COVID-19 để tránh việc tiếp cận vaccine không bình đẳng giữa người nghèo và người giàu. Tuy nhiên, Chính phủ cho phép các tổ chức này mua vaccine để sử dụng cho cán bộ và nhân viên của họ vì việc này không chỉ giúp các tổ chức và công ty có thể tiêm chủng cho nhân viên mà còn giúp Chính phủ hoàn thành mục tiêu tiêm vaccine COVID-19 cho ít nhất 50% dân số trong năm 2021.

Đến thời điểm hiện tại, các loại vaccine được cung cấp cho Lào đều đến từ nguồn viện trợ của các nước bè bạn hoặc từ Chương trình COVAX của Liên hợp quốc (LHQ).

Bộ Y tế Lào vừa phát đi cảnh báo, kêu gọi những người đã tiêm vaccine tiếp tục tuân thủ các biện pháp phòng chống COVID-19 sau khi phát hiện một số người sau khi tiêm vẫn nhiễm virus SARS-COV-2 dù triệu chứng nhẹ. 

Liên quan tình hình COVID-19 tại Lào, Bộ Y tế nước này trưa 4/6 cho biết trong 24 giờ qua nước này ghi nhận 9 ca mắc mới, trong đó có 7 ca lây nhiễm cộng đồng tại thủ đô Viêng Chăn và 2 ca nhập cảnh được cách ly ngay tại các tỉnh khác.

Tới nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 1.952 ca mắc COVID-19, trong đó có 1.680 người khỏi bệnh và 3 người tử vong. 

*Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Bộ Y tế Thái Lan ngày 4/6 ghi nhận thêm 2.631 ca mắc mới COVID-19 trong 23 giờ qua cùng với 31 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc ở quốc gia Đông Nam Á này lên 171.979 ca, trong đó có 1.177 ca không qua khỏi.

Dự kiến, Thái Lan sẽ bắt đầu chiến dịch tiêm chủng đại trà vào ngày 7/6, tuy nhiên một số tỉnh của nước này có tỷ lệ mắc COVID-19 thấp hơn đáng kể có thể sẽ phải hoãn các lịch hẹn tiêm chủng do nhận được nguồn cung cấp vaccine tiêm chủng ít hơn so với dự kiến của Bộ Y tế. Bí thư thường trực Bộ Y tế Thái Lan Kiattiphum Wongrajit khẳng định tất cả các tỉnh sẽ nhận được một số liều vaccine ngừa COVID-19 vào ngày 7/6 vì khoảng 2 triệu liều vaccine AstraZeneca và Sinovac đang được phân phối cho các tỉnh. Tuy nhiên, ưu tiên sẽ được dành cho những tỉnh có tình hình COVID-19 nghiêm trọng hơn và nằm các trong chính sách đặc biệt của Chính phủ như chính sách xúc tiến du lịch. 

Chính phủ Thái Lan dự kiến sẽ nhận 61 triệu liều vaccine từ hãng dược phẩm AstraZeneca và khoảng 10-15 triệu liều từ hãng Sinovac. Ngoài ra, nhà chức trách nước này cũng đang đàm phán để mua thêm 20 triệu liều vaccine của hãng Pfizer và 5 triệu liều của hãng Johnson & Johnson.

Theo Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul, Cơ quan Dược phẩm Chính phủ (GPO) sẽ nhập khẩu 11 triệu liều vaccine Sinovac từ tháng 6 để bổ sung cho kế hoạch mua sắm ít nhất 100 triệu liều vaccine của Chính phủ. Cho đến nay, Thái Lan đã nhận được 6 triệu liều vaccine Sinovac, trong đó 5,5 triệu liều được mua và 500.000 liều do Chính phủ Trung Quốc tặng. Vaccine Sinovac sẽ bổ sung cho loại vaccine chính sẽ được sử dụng ở Thái Lan là AstraZeneca để hoàn thành mục tiêu đạt được ít nhất 100 triệu liều. Trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 8, tổng cộng 11 triệu liều vaccine Sinovac sẽ được chuyển đến Thái Lan với tốc độ từ 2,5 triệu đến 3 triệu liều mỗi tháng.

Ngọc Quang - Phạm Kiên - Thu Phương (TTXVN)
Các nước Đông Nam Á tăng cường dự trữ vaccine, thay đổi chiến lược tiêm chủng
Các nước Đông Nam Á tăng cường dự trữ vaccine, thay đổi chiến lược tiêm chủng

Các quốc gia Đông Nam Á đang đẩy mạnh việc tăng cường dự trữ vaccine ngừa COVID-19 cũng như thay đổi chiến lược tiêm chủng trong bối cảnh đại dịch hoành hành khắp khu vực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN