Chiến tranh Lạnh mới giữa Mỹ-Trung Quốc có thể xoay quanh dữ liệu

Trong tháng 7 này, cổ phiếu của ứng dụng gọi xe lớn nhất Trung Quốc Didi đã sụt giảm mạnh tới 20% sau khi chính phủ nước này có động thái mạnh tay. Trước đó chỉ vài ngày, Didi đã phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại New York (Mỹ) và huy động được 4,4 tỷ USD.

Chú thích ảnh
Vào ngày 30/6, Didi đã phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại New York (Mỹ). Ảnh: Guardian

Giới chức Trung Quốc nghi ngờ Didi liên quan đến việc thu thập và sử dụng trái phép dữ liệu của người dùng, nhưng không công bố vi phạm cụ thể. Bắc Kinh yêu cầu gỡ Didi khỏi kho ứng dụng của Trung Quốc và ngừng nhận đăng ký người sử dụng mới. Bắc Kinh lập luận rằng động thái này nhằm ngăn chặn rủi ro an ninh và bảo vệ lợi ích công chúng.

Didi là một trong những ứng dụng gọi xe lớn nhất toàn cầu. Có tới 3/4 trong tổng số 493 triệu tài khoản sử dụng Didi hàng năm là người Trung Quốc. Công ty này còn hoạt động tại 14 quốc gia khác trong đó có Brazil và Mexico.

Tờ Guardian (Anh) cho rằng nguyên nhân dẫn đến quyết định mạnh tay của Trung Quốc với Didi xuất phát từ việc ứng dụng này phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại New York. Bắc Kinh lo ngại rằng Washington có thể tiếp cận lượng thông tin khổng lồ về người sử dụng của Didi bao gồm nơi người dân Trung Quốc sống, làm việc và du lịch…

Ngày 7/7, cơ quan chống độc quyền Trung Quốc đã phạt một số doanh nghiệp công nghệ, trong đó có Didi, với cáo buộc vi phạm luật chống độc quyền. Trong tháng 7, Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ tăng cường quy định đối với các công ty công nghệ nước này niêm yết ở nước ngoài để quản lý loại thông tin những doanh nghiệp này nhận và gửi qua biên giới quốc gia.

Theo Guardian, cuộc Chiến tranh Lạnh mới giữa Trung Quốc và Mỹ có thể không mấy liên quan đến vũ trang mà là dữ liệu. Đó sẽ là cuộc đua để thu thập, tập hợp, phân tích và sử dụng tối đa dữ liệu của đối phương.

Không chỉ Bắc Kinh, Washington cũng đặc biệt quan ngại về luồng thông tin phía bên kia thu thập được. Thượng nghị sĩ Marco Rubio nhận định với tờ Financial Times rằng sàn chứng khoán New York “vô trách nhiệm và chủ quan” khi cho phép Didi niêm yết. Ông muốn bảo vệ người Mỹ về hưu.

Nghị sĩ này nhấn mạnh: “Ngay cả khi cổ phiếu của Didi hồi phục thì các nhà đầu tư Mỹ vẫn không thể tiếp cận được thông tin về nguồn lực tài chính của công ty này bởi chính phủ Trung Quốc đã ngăn cản. Điều này đẩy đầu tư của những người Mỹ về hưu rơi vào rủi ro”.

Theo Guardian, Nhà Trắng cần xem xét hạn chế lượng tiền vốn là tiền tiết kiệm của người dân Mỹ dưới dạng quỹ hưu trí, quỹ tương hỗ, quỹ giao dịch hối đoái đổ vào Trung Quốc. Tính đến cuối năm 2021, danh mục đầu tư Mỹ vào các công ty và chứng khoán chính phủ Trung Quốc có thể đạt mức trên 1 nghìn tỷ USD.

Giới chức Mỹ cũng thực sự lo ngại về việc Didi và nhiều công ty công nghệ cao Trung Quốc khác đặt chân vào lĩnh vực tài chính Mỹ và thu thập dữ liệu tại nước này.

Các doanh nhân và chuyên gia tài chính tại Trung Quốc cùng Mỹ đều hiểu rằng cả hai quốc gia hợp lại sẽ tạo ra thị trường lớn nhất trên thế giới và họ sẽ làm mọi điều để có thể thu được nhiều tiền nhất từ hai thị trường khổng lồ này ngay cả khi chính phủ siết chặt quản lý.

Điều này đồng nghĩa với việc xung đột trước mắt không hẳn chỉ giữa Trung Quốc và Mỹ mà còn giữa tầng lớp doanh nhân giữa hai quốc gia đang săn tìm lợi nhuận.

Hà Linh/Báo Tin tức
Bài toán nan giải liên quan tới viện dưỡng lão tại Trung Quốc
Bài toán nan giải liên quan tới viện dưỡng lão tại Trung Quốc

Tại viện dưỡng lão Heyuejia ở Bắc Kinh, “cư dân” mới thường chia sẻ về tuổi tác, nghề nghiệp cũ của họ rồi nhận được tràn vỗ tay và cùng thổi nến, nhảy với những người cao tuổi khác.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN