* Chiến sự vẫn ở thế giằng co
* NTC có thể công bố chính phủ trong 10 ngày tới
Ngày 21/9, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã quyết định kéo dài chiến dịch không kích tại Libi thêm 90 ngày, trong bối cảnh thời hạn chót của chiến dịch hiện thời dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 27/9 tới. Đây là lần gia hạn thứ hai của NATO liên quan tới chiến dịch không kích tại Libi.
Xe tăng của lực lượng nổi dậy Libi tại ngoại ô thành phố Bani Walid ngày 21/9. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Theo đại sứ Mỹ tại NATO, ông Ivo Daalder, sứ mệnh của NATO ở Libi “sẽ tiếp tục kéo dài nếu cần thiết và sẽ chấm dứt sớm nhất có thể”. Trong khi đó, một nhà ngoại giao NATO cho biết, chiến dịch của NATO có thể kết thúc “vào bất cứ thời điểm nào” nếu các tư lệnh quân đội cho rằng “dân thường Libi đã an toàn”. Nhà ngoại giao này đồng thời nói rằng, giới chức quân sự NATO hàng tháng sẽ cung cấp thông tin cập nhật về diễn biến của chiến dịch.
Trong khi đó, chiến sự ác liệt vẫn diễn ra trong thế giằng co tại Libi. Hãng AFP ngày 21/9 đưa tin, lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo Libi bị lật đổ Moamer Kadhafi đã nã pháo vào các tay súng Hội đồng Chuyển tiếp Dân tộc (NTC) của chính phủ lâm thời Libi ở thị trấn Al-Jufra thuộc khu vực Hun (miền tây nam thủ đô Tripôli).
Ngày 21/9, Liên minh châu Phi (AU) đã chính thức công nhận NTC là đại diện hợp pháp của người dân Libi. Tuyên bố của AU cũng khẳng định AU sẵn sàng hỗ trợ người dân Libi phát triển theo đúng lộ trình của khối, đồng thời hợp tác với cộng đồng quốc tế giúp tái thiết Libi trở thành quốc gia đoàn kết, dân chủ, hòa bình và thịnh vượng. Cùng ngày, chính phủ Nam Phi cũng chính thức công nhận NTC là đại diện của người dân Libi. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nam Phi nêu rõ: “Chính phủ Nam Phi tái khẳng định cam kết sẵn sàng hợp tác với LHQ, Liên đoàn Arập (AL), Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), Liên minh châu Âu (EU) và NATO nhằm ổn định Libi”. |
Cùng ngày, NTC thừa nhận bị tổn thất nặng nề khi tấn công vào thành phố Sirte, quê hương của ông Kadhafi. Ít nhất 45 tay súng đã thiệt mạng và hơn 200 người bị thương kể từ khi NTC tấn công Sirte hồi tuần trước. Trước đó, NTC tuyên bố đã giành chiến thắng trong các cuộc giao tranh với lực lượng của ông Kadhafi tại thành phố miền nam Sabha, một trong những thành trì cuối cùng của ông Kadhafi, và các tay súng NTC chỉ phải đối phó với “sự kháng cự lẻ tẻ”.
Cũng trong ngày 21/9, Thủ tướng tạm quyền Libi Mahmoud Jibril tuyên bố “chính phủ mới ở Libi sẽ được công bố trong vòng 1 tuần hoặc 10 ngày tới”. Theo ông Jibril, một trong những vấn đề phải cân nhắc kỹ khi thành lập chính phủ mới là việc phân chia số ghế bộ trưởng giữa hai vùng đông và tây. Hiện ban lãnh đạo của NTC đặt trụ sở tại miền đông, trong khi các lực lượng trung thành với ông Kadhafi “đóng quân” tại miền tây.
Trong một diễn biến có liên quan, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon ngày 21/9 đã kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ Libi tái thiết sau xung đột, đồng thời kêu gọi tất cả các phe phái ở Libi tham gia tiến trình hòa bình và tái thiết quốc gia Bắc Phi này. Ông Ban Ki-moon cho rằng, các thách thức mà Libi đang đối mặt là rất lớn, vì vậy, hòa bình và an ninh cần được ưu tiên hàng đầu. Ông cũng kêu gọi người dân Libi hạ vũ khí và cùng tham gia công cuộc tái thiết đất nước. Tổng thư ký LHQ cam kết tiếp tục các nỗ lực hướng tới một Libi an toàn và ổn định.
Trước đó, trong cuộc tiếp xúc lần đầu tiên với nhà lãnh đạo lâm thời Libi, Chủ tịch NTC Mustafa Abdel Jalil, Tổng thống Mỹ Barak Obama kêu gọi Libi tổ chức các cuộc bầu cử tự do và công bằng. Ông cũng khẳng định sứ mệnh của NATO tại quốc gia Bắc Phi này sẽ tiếp tục “một khi người dân Libi còn bị đe dọa” và kêu gọi những người trung thành với nhà lãnh đạo bị lật đổ Kadhafi hạ vũ khí. Trong cuộc gặp, ông Jalil cũng cam kết rằng các thành viên chế độ cũ sẽ được “xét xử công bằng”.
Hạnh Dương