Chỉ số hoạt động sản xuất của Mỹ do Viện Quản lý Nguồn cung (ISM) khảo sát đã tăng lên 60,7 vào tháng 12/2020, mức cao nhất kể từ tháng 8/2018, sau khi đứng ở mức 57,5 vào tháng 11/2020. Chỉ số này trên mức 50 cho thấy sự tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất, vốn chiếm 11,9% nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong khi đó, các nhà kinh tế tham gia cuộc thăm dò ý kiến của Reuters đã dự báo chỉ số này sẽ giảm xuống 56,6 vào tháng 12/2020.
Báo cáo ngày 5/1/2021 của ISM cho hay, đà tăng trưởng của hoạt động sản xuất đã giúp giảm bớt tác động từ cuộc khủng hoảng COVID-19 lên nền kinh tế Mỹ trong quý IV/2020, do sự lây lan không ngừng của virus SARS-CoV-2 gây ra dịch COVID-19 và sự chậm trễ của chính phủ trong việc phê duyệt một gói cứu trợ mới để giúp các doanh nghiệp và giảm tỷ lệ thất nghiệp. ISM cho biết, dịch COVID-19 đang hạn chế tiềm năng tăng trưởng sản xuất của Mỹ, bởi việc nhiều nhà máy phải ngừng hoạt động trong thời gian ngắn để thực hiện công tác vệ sinh, khử trùng các cơ sở sản xuất của họ.
Ryan Sweet, nhà kinh tế cấp cao tại Moody's Analytics ở West Chester, Pennsylvania, cho biết hoạt động sản xuất của Mỹ sẽ tăng trưởng vừa phải trong mùa Đông này, bởi các doanh nghiệp cần bổ sung hàng tồn kho và sự chuyển dịch xu hướng chi tiêu của người tiêu dùng từ dịch vụ sang hàng hóa. Báo cáo của ISM cũng cho thấy đà tăng trưởng hoạt động sản xuất ở khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Trung Quốc.
Sự phục hồi bất ngờ của chỉ số ISM một phần được thể hiện qua sự chậm trễ trong hoạt động giao hàng. Thời gian giao hàng chậm thường liên quan tới đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và nhu cầu khách hàng tăng cao. Trong trường hợp này, việc nhà cung cấp giao hàng chậm hơn cho thấy sự thiếu hụt nguồn cung liên quan đến đại dịch.
16 trong số 18 ngành sản xuất tại Mỹ báo cáo hoạt động tăng trưởng trong tháng 12/2020. Các nhà sản xuất máy tính và thiết bị điện tử cho biết họ tiếp tục được hưởng lợi từ việc các nước đẩy mạnh nghiên cứu vaccine ngừa COVID-19 và các phương pháp điều trị COVID-19. Trong khi đó, các nhà sản xuất mặt hàng khác đều báo cáo rằng doanh số bán hàng của họ đã vượt mức trước COVID-19.
Theo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), mặc dù nhu cầu tiêu thụ mạnh mẽ, song sản lượng chế tạo tại Mỹ vẫn thấp hơn khoảng 3,8% so với mức trước đại dịch. Điều đó có thể tiếp diễn trong một thời gian nữa vì làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới vẫn tiếp tục gây cản trở cho người lao động và chuỗi cung ứng.
Sự gia tăng số đơn đặt hàng đã thúc đẩy tỷ lệ việc làm trong lĩnh vực sản xuất, vốn đã sụt giảm vào tháng 11/2020. Cụ thể, chỉ số việc làm trong lĩnh vực sản xuất của ISM đã phục hồi lên 51,5 trong tháng 12/2020 từ mức 48,4 vào tháng 11/2020. Điều đó có thể xoa dịu lo ngại của một số nhà kinh tế rằng thị trường việc làm tại Mỹ suy giảm vào tháng 12 vừa qua. Theo khảo sát ý kiến các chuyên gia kinh tế của Reuters, nền kinh tế lớn nhất thế giới có khả năng chỉ tạo thêm 100.000 việc làm mới trong lĩnh vực phi nông nghiệp vào tháng 12/2020, sau khi tạo thêm tới 245.000 việc làm vào tháng 11. Số liệu chính thức sẽ được Bộ Lao động Mỹ công bố vào ngày 8/1 tới.
Tuy nhiên, sự bế tắc của chuỗi cung ứng đang làm tăng chi phí cho các nhà sản xuất. Chỉ số về chi phí của các nhà sản xuất do ISM thực hiện và công bố đã tăng lên mức 77,6 vào tháng 12 vừa qua, mức cao nhất kể từ tháng 5/2018, từ mức 65,4 vào tháng 11. Điều đó làm tăng nguy cơ lạm phát tại Mỹ sẽ tăng cao hơn.