Chi phí sinh hoạt tại Tây Ban Nha vẫn đắt đỏ bất chấp các nỗ lực bình ổn giá

Tương tự các nước khác tại châu Âu, Tây Ban Nha đang đối mặt với tình trạng giá lương thực và nhiên liệu tăng cao, phần lớn do ảnh hưởng từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.

Bất chấp những nỗ lực của chính phủ nhằm giữ giá cả ở mức thấp nhất có thể, xung đột dai dẳng vẫn gây ảnh hưởng mạnh đến ngân sách của các hộ gia đình trên khắp Tây Ban Nha.

Chú thích ảnh
Người dân mua sắm tại một chợ ở Madrid, Tây Ban Nha, ngày 12/8/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Theo Văn phòng Thống kê Tây Ban Nha (INE), tỷ lệ lạm phát trong năm 2022 là 8,4%, với mức đỉnh 10,8% ghi nhận vào tháng 7/2022, cao hơn gần 3 điểm phần trăm so với tháng 2/2022 khi xung đột Ukraine mới nổ ra. Việc tăng giá chủ yếu là do các vấn đề liên quan nguồn cung năng lượng trên khắp châu Âu, vốn từng phụ thuộc nhiều vào khí đốt và dầu mỏ của Nga.

Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã có thể đàm phán với các quốc gia thành viên khác của Liên minh châu Âu (EU) nhằm tránh những tác động bất lợi của giá khí đốt tăng, do hai nước này sở hữu nguồn năng lượng tái tạo dồi dào. Tuy nhiên, chi phí điện ở Tây Ban Nha vẫn vượt mức 200 euro/MWh vào giữa năm 2022, đẩy hóa đơn năng lượng của các hộ gia đình và chi phí sản xuất tăng cao, trở thành gánh nặng đối với người tiêu dùng. 

Theo bản tin thị trường dầu mỏ của EU, giá dầu diesel và dầu mỏ tại Tây Ban Nha đã tăng mạnh trong năm 2022, lần lượt tăng 28,5% và 14,9%. Mức tăng giá mạnh nhất của cả 2 loại nhiên liệu này được ghi nhận vào tháng 3/2022 - thời điểm ngay sau khi xung đột Ukraine - Nga bùng phát, lần lượt là 45,6% và 33,6%. Chi phí nhiên liệu tăng cao đã dẫn đến một cuộc đình công kéo dài 20 ngày của các công nhân ngành vận tải, càng gia tăng sức ép đối với vấn đề nguồn cung cũng như ngân sách của các hộ gia đình.

Trong khi đó, giá thực phẩm và đồ uống không cồn cũng tăng 15,4% trong khoảng thời gian từ tháng 1/2022 - 1/2023. Giá đường tăng hơn 52,1%, giá sữa, bơ và dầu ăn tăng 30%, trong khi giá trứng, sữa chua, bột mì và phô mai tăng hơn 20%.

Vào đầu năm nay, Chính phủ Tây Ban Nha đã tạm loại bỏ thuế giá trị gia tăng (VAT) áp dụng với thực phẩm thiết yếu trong 6 tháng và giảm thuế suất từ mức 10% xuống còn 5% đối với mì ống và dầu ô liu. Đây là các biện pháp nằm trong gói hỗ trợ thứ 6 được Chính phủ Tây Ban Nha ban hành nhằm giúp người dân ứng phó với những tác động kinh tế và xã hội từ cuộc xung đột ở Ukraine. Tính đến tháng 1/2023, tổng số tiền mà Chính phủ Tây Ban Nha chi thông qua các gói biện pháp như trên đã tăng lên 45 tỷ euro, nhằm hỗ trợ người dân đang phải chật vật ứng phó với tình trạng lạm phát tăng cao, giá lương thực, thực phẩm và năng lượng tăng vọt.

Hoàng Châu (TTXVN)
Nhiều người Đức phải sử dụng tiền tiết kiệm để trang trải chi tiêu
Nhiều người Đức phải sử dụng tiền tiết kiệm để trang trải chi tiêu

Theo kết quả cuộc khảo sát do Viện thăm dò dư luận Kantar công bố ngày 22/11, gần 20% người Đức đã phải rút tiền tiết kiệm để trang trải chi phí hằng ngày trong bối cảnh lạm phát tăng làm giảm sức mua của người tiêu dùng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN