Biểu tình lan rộng ở châu Âu vì giá năng lượng và chi phí sinh hoạt tăng cao

Theo hãng tin Reuters ngày 20/10, các nước châu Âu đang phải đối mặt với nhiều cuộc đình công và biểu tình lan rộng do giá năng lượng cao và chi phí sinh hoạt ngày càng leo thang.

Chú thích ảnh
Biểu tình tại Paris, Pháp ngày 18/10/2022. Ảnh: Reuters

Tại Pháp, công nhân tại tập đoàn năng lượng TotalEnergies hôm 20/10 vẫn biểu tình tại hai địa điểm ở Pháp, khiến nhà máy lọc dầu Normandy và Feyzin tiếp tục ngừng hoạt động

Các cuộc đình công đã ảnh hưởng đến công việc tại 20 trong số 56 lò phản ứng hạt nhân của Pháp dẫn đến trì hoãn bảo trì nhiều lò phản ứng.

Nghiệp đoàn CGT cho biết họ đang kêu gọi đình công tại công ty hàng xa xỉ L'Oreal để đòi trả lương cao hơn cho nhân viên. Theo CGT, họ đang tìm cách tận dụng sự tức giận về lạm phát cao hàng thập kỷ để nhân rộng đình công tại các nhà máy lọc dầu sang các lĩnh vực khác. Trước đó hôm 16/10, hàng nghìn người đã xuống đường ở Paris để phản đối giá cả tăng vọt.

Tại Anh, Liên đoàn công nhân đường sắt Anh RMT hôm 19/10 cho biết họ sẽ có hành động đình công để phản đối 14 công ty điều hành xe lửa vào đầu tháng 11 sau khi cơ quan ngành đường sắt của nước này không đưa ra được các đề nghị mới về lương, việc làm và điều kiện làm việc.

Trong khi đó, gần 2.000 nhân viên tại Cơ sở Vũ khí Nguyên tử AWE, nơi sản xuất và duy trì các đầu đạn hạt nhân, sẽ bỏ phiếu về việc có đình công hay không sau khi họ từ chối mức thưởng 5%, công đoàn Prospect cho biết. Cuộc bỏ phiếu về vấn đề này tại AWE sẽ được tiến hành vào ngày 24/10 và diễn ra trong hai tuần.

Ngoài ra, khoảng 1.000 tài xế GXO ở Anh sẽ đình công trong vòng 5 ngày kể từ cuối tháng này do tranh chấp về lương, công đoàn Unite thông báo.

Hàng trăm công nhân tại cảng Liverpool, một trong những cảng container lớn nhất của Anh, sẽ đình công thêm 2 tuần vì lương và việc làm kể từ ngày 24/10. Liên minh Công nhân và Truyền thông, đại diện cho 115.000 nhân viên bưu điện Royal Mail cảnh báo tiến hành nhiều cuộc đình công hơn sau nhiều tháng đàm phán thất bại về việc thay đổi lương và hoạt động.

Trên 300.000 thành viên của công đoàn điều dưỡng lớn nhất nước Anh cũng đã bắt đình công để yêu cầu tăng lương.

Ở Đức, các phi công tại Eurowings của hãng hàng không lớn nhất nước này Lufthansa đã đình công ba ngày trong giờ làm việc từ hôm 17/10, gây ảnh hưởng đến hàng chục nghìn hành khách.

Ở Hungary, hàng nghìn học sinh và phụ huynh đã biểu tình vào ngày 14/10 trong cuộc biểu tình lớn thứ hai trong 2 tuần để ủng hộ các giáo viên đã bị sa thải vì tham gia một cuộc đình công đòi lương cao hơn.

Tại Séc, hàng chục nghìn người đã biểu tình tại Praha vào ngày 28/9 để phản đối cách chính phủ xử lý giá năng lượng tăng cao.

Ở Bỉ, hàng nghìn người cũng đã xuống đường ở Brussels vào ngày 21/9 để phản đối giá năng lượng và chi phí sinh hoạt tăng vọt. Một cuộc biểu tình tương tự vào tháng 6 đã thu hút khoảng 70.000 công nhân Bỉ.

Công Thuận/Báo Tin tức
Người biểu tình bao vây Đại sứ quán Pháp tại Burkina Faso
Người biểu tình bao vây Đại sứ quán Pháp tại Burkina Faso

Quân đội Burkina Faso cáo buộc Chính phủ Pháp đang hỗ trợ nhà lãnh đạo vừa bị lật đổ, song phía Bộ Ngoại giao Pháp đã phủ nhận có liên quan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN