Trong nghiên cứu công bố ngày 22/11, nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Queensland (Australia), Đại học Harvard và Đại học Washington (Mỹ) đã phân tích dữ liệu từ 204 quốc gia và khu vực để tìm hiểu có bao nhiêu người mắc MDD, còn được gọi là trầm cảm lâm sàng, trên toàn thế giới được chăm sóc đầy đủ. Kết quả cho thấy năm 2021 chỉ có 9% những người này được điều trị tối thiểu đầy đủ (MAT), gồm 4 lần khám bác sĩ và một tháng dùng thuốc, hoặc 8 lần tới khám với chuyên gia y tế hoặc sức khỏe tâm thần.
Ở những nước có thu nhập cao, tỷ lệ này cao hơn gấp 3 lần, ở mức 27%. Chỉ có 7 quốc gia - gồm Australia, Bỉ, Canada, Đức, Hà Lan, Hàn Quốc và Thụy Điển - có tỷ lệ điều trị MAT từ 30% trở lên. Trong khi đó, 90 quốc gia có tỷ lệ điều trị dưới 5%.
Ngoài ra, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng có khoảng 10,2% phụ nữ mắc MDD trên toàn cầu được điều trị MAT, so với 7,2% nam giới.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính có tới 5% người lớn trên toàn cầu mắc chứng trầm cảm và phụ nữ bị ảnh hưởng nhiều hơn đàn ông. Kế hoạch Hành động Toàn diện về Sức khỏe Tâm thần giai đoạn 2013-2030 của WHO đặt mục tiêu tăng tỷ lệ điều trị sức khỏe tâm thần lên ít nhất 50% trên toàn thế giới vào năm 2030.
Ông Damian Santomauro, tác giả chính của nghiên cứu nói trên và hiện đang làm việc tại Trường Y tế Công thuộc Đại học Queensland và Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Tâm thần Queensland, cho biết những phát hiện của nhóm nghiên cứu có thể hỗ trợ mục tiêu do WHO đề ra nhờ việc đã định rõ các địa điểm và nhóm nhân khẩu học có tỷ lệ điều trị thấp nhất, qua đó sẽ giúp điều hướng các lĩnh vực ưu tiên cần can thiệp và phân bổ nguồn lực, cũng như theo dõi tiến độ cải thiện việc điều trị các rối loạn trầm cảm nặng.
Nghiên cứu được tài trợ bởi chính quyền bang Queensland (Australia) và Quỹ Bill & Melinda Gates.