Trong thông báo ngày 2/12, Trung tâm Nghiên cứu lâm nghiệp quốc tế (LIFOR) cho biết các hình ảnh vệ tinh thu thập tại 7 tỉnh ở Indonesia trong 10 tháng đầu năm 2019 cho thấy đa số các đám cháy rừng xảy ra ở các vùng đất đã được phát quang từ nhiều năm trước.
Theo đó, 76% diện tích đất bị cháy là ở các vùng đất bị bỏ hoang vốn vài năm trước đây là rừng, song chu kỳ cháy rừng lặp đi lặp lại đã biến những vùng đất này bị thoái hóa. Trong khi đó, khoảng 3% số vụ cháy rừng xảy ra ở các đồn điền sản xuất dầu cọ.
Cũng theo các nhà khoa học tại LIFOR, các vùng đất than bùn chiếm 41% tổng số diện tích đất bị thiêu rụi tại Indonesia trong năm nay, tương đương 670.000 hécta. Tỉnh Jambi và Tây Kalimantan là những địa phương ghi nhận số vụ cháy rừng nhiều nhất, đe dọa nghiêm trọng môi trường sống của loài hổ và đười ươi.
Trong nhiều tháng qua, Indonesia phải vật lộn để khống chế các đám cháy rừng lan rộng ở đảo Sumatra và Borneo của nước này.
Các đám cháy rừng xảy ra ở Indonesia thường là do người dân đốt rừng phát quang đất để trồng cọ lấy dầu và các loại cây trồng khác cũng như các hoạt động tại lâm trường sản xuất các nguyên liệu làm giấy. Cháy rừng thường vượt khỏi tầm kiểm soát, đặc biệt là vào mùa khô. Năm nay, tình trạng khói mù do cháy rừng tại Indonesia đã làm ảnh hưởng trầm trọng tới nhiều quốc gia trong khu vực.