Đợt nắng nóng và hạn hán nghiêm trọng trong mùa Hè đã dẫn tới những đám cháy rừng ở Australia từ cuối năm 2019 đến đầu năm 2020, làm 33 người thiệt mạng và hàng chục triệu động vật hoang dã chết, đồng thời phá hủy một diện tích lớn rừng bạch đàn. Những đám cháy này bao phủ thành phố Sydeny và nhiều thành phố khác trong khói và tro bụi nhiều tháng, thải ra một lượng lớn khí CO2 vào khí quyển, nhưng khó xác định con số chính xác.
Để làm rõ điều này, các nhà nghiên cứu tại Hà Lan đã sử dụng công nghệ vệ tinh mới có thể theo dõi khí thải từ một đám cháy hằng ngày, qua đó ước tính tổng lượng khí thải nói chung cũng như lượng CO2 phát thải từ đám cháy. Họ kết luận rằng lượng khí thải này nhiều gấp đôi so với các ước tính trước đây.
Tác giả hàng đầu của nghiên cứu trên, ông Ivar van der Velde, thuộc Viện nghiên cứu không gian SRON của Hà Lan, cho biết nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra rằng khí thải CO2 từ đợt cháy rừng này lớn hơn nhiều tổng lượng khí thải thông thường ở Australia trong một năm, bao gồm khí thải từ hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch. Theo ông, nhóm nghiên cứu dự báo trong bối cảnh xu hướng ấm lên toàn cầu hiện nay, nhiều khả năng xảy ra những trận cháy rừng lớn nữa ở Australia và có thể các nơi khác, thải CO2 vào bầu khí quyển nhiều hơn.
Cháy rừng xảy ra thường xuyên hơn do tình trạng ấm lên toàn cầu, khi biến đổi khí hậu khiến hạn hán và các đợt khí nóng xảy ra với tần suất cao hơn và nghiêm trọng hơn. Tùy thuộc vào lượng CO2 được cây cối hấp thu khi sinh trưởng, lượng khí thải có thể khiến khí hậu ấm lên hơn nữa.
Tuy nhiên, các đám cháy cũng tạo ra khói bụi cuốn theo các phân tử nitơ và sắt ra đại dương làm sinh sôi loài tảo biển siêu nhỏ, được gọi là phù du.
Trong một nghiên cứu khác cũng đăng trên tạp chí Nature, các nhà nghiên cứu cho biết họ đã phát hiện rằng một lượng lớn phân tử sắt từ các đám cháy được cuốn đi rất xa, làm sinh sôi một thảm thực vật phù du ở Thái Bình Dương cách Australia hàng nghìn km.
Đồng tác giả nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu hải dương Nam Cực của Đại học Tasmania, ông Joan Llort cho biết nhiều nghiên cứu trước đó đã cho thấy cháy rừng có thể khiến tảo biển sinh sôi, nhưng quy mô được phát hiện trong nghiên cứu mới này rất đáng ngạc nhiên, theo đó thảm thực vật phù du sinh sôi trên diện tích lớn hơn cả diện tích Australia.
Tảo biển đóng vai trò quan trọng đối với khí hậu toàn cầu, hấp thu CO2 khi quang hợp tương tự các loài thực vật khác. Một phần khí CO2 này chìm xuống đáy biển và được lưu giữ tại đây.
Đồng tác giả nghiên cứu trên, ông Nicolas Cassar, thuộc Đại học Duke, cho biết: "Kết quả nghiên cứu của chúng tôi đã cung cấp bằng chứng cho thấy phân tử sắt từ các đám cháy rừng có thể cung cấp dưỡng chất cho các đại dương, nhờ đó sinh vật phù du sinh sôi hấp thu thêm nhiều CO2".