Người đứng đầu Cục Phòng ngừa và kiểm soát bệnh lây nhiễm thuộc Bộ Y tế Indonesia Wiendra Waworuntu cho biết các triệu chứng của bệnh viêm đường hô hấp do khói mù từ các đám cháy gây ra tương tự như các triệu chứng bệnh COVID-19. Các ca mắc bệnh hô hấp do hai nguyên nhân này tăng cùng lúc sẽ làm gia tăng sức ép đối với cơ quan y tế Indonesia. Theo bà Waworuntu, nghiên cứu cho thấy có mối tương quan giữa tỷ lệ tử vong cao và mức độ ô nhiễm nặng tại cùng một khu vực bị ảnh hưởng bởi COVID-19.
Một số chuyên gia lo ngại tình trạng khói mù sẽ cản trở các nỗ lực ngăn ngừa đại dịch COVID-19 đến nay cướp đi sinh mạng của 943 người với 13.112 ca mắc tại Indonesia. Các chuyên gia cảnh báo tình hình sẽ trở nên trầm trọng hơn do nguy cơ thiếu khẩu trang N95. Hiện chỉ có các nhân viên y tế có thể sử dụng loại khẩu trang này trong khi nhà chức trách yêu cầu người dân đeo khẩu trang y tế thông thường. Tuy nhiên, bà Waworuntu lưu ý khẩu trang N95 cũng rất cần thiết cho người dân để giảm tác hại của khói mù từ các đám cháy rừng. Chuyên gia này cảnh báo nguy cơ thiếu khẩu trang N95 vào các tháng 6, 7 và 8 khi mùa khô lên đến đỉnh điểm và Indonesia phải cạnh tranh với nhiều nước khác để đảm bảo nguồn cung loại khẩu trang này.
Hơn nữa, Chính phủ Indonesia chưa vạch ra kế hoạch dự phòng để giải quyết cả hai mối nguy dịch COVID-19 và các bệnh hô hấp do khói mù. Hiện đa số các nguồn lực y tế đang tập trung vào chống dịch COVID-19. Bà Waworuntu hối thúc nhà chức trách Indonesia vạch ra các chiến lược để ngăn thảm họa xảy ra.
Khói mù phát tán từ các đám cháy rừng do hoạt động canh tác nông nghiệp trái phép, chủ yếu đốt rừng để trồng dầu cọ, xảy ra hằng năm tại Indonesia. Tính đến ngày 7/5, chính quyền địa phương cho biết đã phát hiện ít nhất 765 điểm nóng về cháy rừng tại Indonesia dù con số này thấp hơn so với 1.222 điểm cháy rừng vào cùng kỳ năm ngoái. Cơ quan Khí tượng, khí hậu và địa lý cảnh báo trong tháng 5 này, Indonesia sẽ bắt đầu bước vào mùa khô, ảnh hưởng đến nhiều khu vực thường xảy ra cháy rừng. Dự báo, mùa khô sẽ lên đến đỉnh điểm vào tháng 8 tới, tác động đến 64,9% diện tích của Indonesia.
Năm 2019, các vụ cháy rừng đã thiêu rụi hơn 1,6 triệu hécta rừng tại Indonesia, chủ yếu trên các đảo Borneo và Sumatra, tăng so với khoảng 630.000 hécta năm 2018. Khói mù do các vụ cháy rừng năm ngoái khiến khoảng 900.000 người tại đảo quốc này mắc các bệnh về hô hấp. Bên cạnh đó, khói mù cũng ảnh hưởng đến chất lượng không khí của các nước trong khu vực gồm Malaysia, Singapore, Thái Lan và Philippines.