Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, báo cáo của CDC Châu Phi cập nhật tổng số ca tử vong vì dịch bệnh tại châu lục đã tăng lên hơn 5.340 trường hợp trong khi 86.068 ca đã được chữa khỏi. Hiện dịch bệnh đã lây lan lan ở 54 quốc gia châu Phi, trong đó khu vực Maghreb (Bắc Phi) là nơi ảnh hưởng nhiều nhất về cả số ca mắc bệnh cũng như số ca tử vong.
Nhóm 10 quốc gia có số ca mắc COVID-19 cao nhất ở châu Phi gồm Nam Phi (55.421 ca), Ai Cập (38.284 ca), Nigeria (13.464 ca), Algeria (10.484 ca), Ghana (10.201 ca), Morocco (8.508 ca), Sudan (6.582 ca), Senegal (4.640 ca), CHDC Congo (4.390 ca) và Djibouti (4.373 ca).
Cũng trong ngày 10/6, Tổng thống Guinea-Bissau, Umaro Sissoco Embalo tuyên bố gia hạn lệnh tình trạng khẩn cấp quốc gia thêm 15 ngày, kéo dài đến ngày 25/6. Trong tuyên bố mới, ông Embalo cho biết trong 15 ngày qua, quốc gia Tây Phi này đã triển khai giai đoạn đầu dần nối lại các hoạt động kinh tế, ghi nhận những tiến triển và cải thiện trong cuộc chiến chống COVID-19.
Tuy nhiên, tình hình chung vẫn đáng lo ngại vì vậy chính phủ quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp quốc gia trên toàn quốc. Ông cũng kêu gọi người dân tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội, rửa tay thường xuyên với xà phòng và đeo khẩu trang khi tới nơi công cộng. Kể từ khi dịch xuất hiện hồi cuối tháng 3, tới nay quốc gia này ghi nhận 1.389 ca mắc, trong đó có 12 ca tử vong.
* Trong diễn biến liên quan, tại phiên họp lần thứ 54 của Hội đồng Bộ trưởng Y tế các nước Arab, Bộ trưởng Y tế Tunisia Abdellatif Mekki đã kêu gọi các nước Arab tăng cường hợp tác trong cuộc chiến chống dịch COVID-19. Ông Mekki nhấn mạnh tầm quan trọng của các biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan cũng như các chương trình cung cấp viện trợ cho các nước trong khối chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Phiên họp lần thứ 54 Hội đồng Bộ trưởng Y tế các nước Arab do Bahrain chủ trì, nhằm đánh giá hiệu quả các biện pháp đối phó với tác động của đại dịch trong thế giới Arab. Tại cuộc họp lần này, Tunisia cho biết nước này đã không ghi nhận ca nhiễm mới COVID-19 trong 7 ngày liên tiếp và là một trong những nước Arab đạt được kết quả khả quan trong phòng chống dịch bệnh. Có được kết quả hiện tại là nhờ Chính phủ Tunisia đã kịp thời áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh ngay sau khi phát hiện trường hợp đầu tiên ngày 2/3. Quốc gia Bắc Phi cũng đã nhận được nhiều đợt viện trợ y tế từ các chính phủ nước ngoài và các tổ chức quốc tế, góp phần hiệu quả vào công tác phòng chống dịch bệnh.